'Bán' quốc tịch - ngành kinh doanh tỉ đô làm giàu cho nhiều quốc gia

Ước tính mỗi năm có vài nghìn người trên thế giới chi tiêu tổng cộng khoảng 2 tỉ USD để nhập thêm quốc tịch, bổ sung tấm hộ chiếu thứ hai hoặc thứ ba, nhằm phục vụ nhiều mục đích khác nhau từ du lịch, kinh doanh hay chỉ là nâng tầm địa vị xã hội.

Chú thích ảnh
Monaco là một trong những quốc gia đi đầu trong ngành kinh doanh quốc tịch.

“Tôi đã mua một hòn đảo”, đó là câu trả lời của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra khi được hỏi làm thế nào ông trở thành công dân của Montenegro. Bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2006, ông Thaksin bị tước hộ chiếu Thái Lan, vì thế ông cần hộ chiếu khác, và một đồng nghiệp từng cho biết ông sở hữu tới 6 tấm hộ chiếu.

Ông Thaksin chỉ là một trong rất nhiều người thấy rằng, chỉ một tấm hộ chiếu ở đất nước nơi mình sinh ra là chưa đủ. Con số những “người nhập cư đầu tư” như ông đang tăng lên rất nhanh. Hàng nghìn tấm hộ chiếu được mua bán hàng năm..

Cuộc Khảo sát quyền công dân thứ hai năm 2017 do tổ chức CS Global Partners đã ghi nhận 89% người tham gia khảo sát muốn sở hữu tấm hộ chiếu thứ hai, và trên 34% cho biết họ đã tìm kiếm cơ hội đầu tư nhờ quyền công dân thứ hai. Điều ấn tượng nhất là có tới 80,68% số người tham gia cho biết họ sẵn sàng đầu tư hoặc hiến tặng 5% thu nhập hàng năm của mình cho quyền công dân thứ hai.

Người giàu ngày nay không chỉ chi tiêu tiền bạc cho máy bay, du thuyền cá nhân, mà còn sẵn sàng bỏ tiền để sở hữu thêm nhiều tấm hộ chiếu, cho họ quyền công dân “tinh hoa” ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ông Nuri Katz, Chủ tịch công ty tư vấn quốc tế Apex Capital Partners cho biết: “Với nhiều người giàu có, việc sở hữu hộ chiếu thứ hai hoặc thứ ba là rất quan trọng để họ thuận tiện đi lại. Với số khác, đây cũng là một biểu tượng vị thế, giống như mua một siêu xe để thể hiện”.

Để đáp ứng nhu cầu xin hộ chiếu và visa dài hạn, ngày càng nhiều quốc gia tham gia thị trường 'mua bán' quốc tịch. Khoảng 100 quốc gia hiện đã chào mời chương trình “cư trú qua đầu tư”. Gần 20 quốc gia chào bán quốc tịch, trong đó có 5 đảo quốc Caribe, đảo quốc Thái Bình Dương Vanuatu, Jordan, bên trong Liên minh châu Âu (EU) thì có Áo, Cyprus và Malta. Hai nước mới nhất trên thị trường này là Moldova, hồi tháng 7 năm nay đã ký hợp đồng với một tập đoàn chuyên thiết kế các chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch; và Montenegro hồi tháng 10 vừa qua đã tự triển khai chương trình chính thức “bán quốc tịch”.

Ngành công nghiệp CRBI

Chú thích ảnh

Một ngành công nghiệp “CRBI” (citizenship and residence by investment – đổi đầu tư lấy quốc tịch và cư trú) đang nở rộ, với một đội ngũ đông đảo các nhà tư vấn, luật sư, chủ ngân hàng, nhân viên môi giới bất động sản luôn bận rộn tư vấn cho các nhà đầu tư đang tìm kiếm thêm quốc tịch.

Điều ngạc nhiên là người đi tiên phong trong chương trình CRBI lại là một quốc gia hiếm người… biết tên. Năm 1984, quốc gia nhỏ bé St Kitts and Nevis (SKN) ở Caribe đã thông qua đạo luật cho phép bán quốc tịch cho người nước ngoài. SKN nằm cách thành phố Miami của Mỹ chỉ 3 giờ bay, nhưng là một nước nhỏ, ít tài nguyên, lại có tỉ lệ tội phạm cao, SKN không thể thu hút giới người giàu thế giới.

Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi một doanh nhân người Thụy Sĩ là Christian Kalin xuất hiện. Nhờ Kalin, SKN đã trở thành nơi nổi tiếng nhất về kinh doanh hộ chiếu-quốc tịch. Chỉ với 250.000 USD, bất kỳ ai cũng có thể trở thành công dân nước này mà không cần điều kiện ràng buộc nào. Người mua hộ chiếu được hưởng quyền miễn thị thực đi lại tại 132 quốc gia, không phải trả thuế thu nhập.

Chương trình kinh doanh hộ chiếu thành công vang dội đến mức đưa nền kinh tế SKN vượt xa nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Ngày nay, dân số của SKN là 50.000 người, trong đó một nửa là những người sống ở nước khác đã mua hộ chiếu.

Sau thành công của SKN, nhiều quốc gia khác đã tham gia vào ngành kinh doanh CRBI. Chính doanh nhân Kalin đã tư vấn triển khai chương trình “công dân đầu tư” tại CH Cyprus và Grenada,  Antigua&Barbuda, rồi Malta.

Chú thích ảnh
Canada hiện đã ngừng chương trình "cư trú đầu tư" ở cấp quốc gia nhưng ở cấp địa phương thì có tỉnh vẫn duy trì.

Năm 1986, sau khi giới thiệu chương trình “cư trú thông qua đầu tư”, Canada trở thành thỏi nam châm thu hút người Hong Kong sau sự kiện xứ "Cảng thơm" trở về với Trung Quốc đại lục vào năm 1997. Canada đã rút lại chương trình này trên quy mô liên bang vào năm 2014, nhưng vẫn còn duy trì ở cấp địa phương, trong đó tỉnh Quebec vẫn thực hiện chính sách “cư trú qua đầu tư”.

Theo sau Canada, năm 1990 Mỹ cũng ra mắt chương trình visa EB-5, đòi hỏi đầu tư ít nhất 1 triệu USD, hoặc ít nhất 500.000 USD vào một khu vực “trọng điểm” về tỉ lệ thất nghiệp cao.

Theo hãng tin AP, Trung Quốc là thị trường béo bở nhất của các chương trình kinh doanh hộ chiếu - quốc tịch, với hơn 100.000 người chi ít nhất 24 tỉ USD trong 10 năm qua để sở hữu quyền công dân nước khác thông qua các chương trình đầu tư.

Và những mặt trái

Những lợi ích từ ngành kinh doanh quốc tịch, hộ chiếu thì đã rõ. Quốc gia bán hộ chiếu có nguồn thu khổng lồ, thúc đẩy được đầu tư sản xuất cũng như kích thích kinh doanh bất động sản. Nhưng mua bán quốc tịch cũng có những mặt trái.

Các chuyên gia cho rằng, việc chỉ cần tiền là sở hữu dễ dàng quốc tịch ở một quốc gia đã để lộ lỗ hổng lớn cho các hoạt động tội phạm, từ tội phạm kinh tế cho đến hoạt động khủng bố. Đặc biệt với Liên minh châu Âu thì vấn đề này càng trở nên nhạy cảm khi một tấm hộ chiếu của một nước thành viên đồng nghĩa người mang có thể tự do đi lại khắp 26 quốc gia khối Schengen.

Các chuyên gia tài chính lo ngại, hoạt động mua bán hộ chiếu, quốc tịch và quyền cư trú sẽ cản trở các nỗ lực trấn áp hoạt động trốn thuế và rửa tiền. Những người trốn thuế sẽ lợi dụng lỗ hổng bằng cách mua quốc tịch hay quyền cư trú tại một quốc gia thứ hai, mở tài khoản ngân hàng tại một nước thứ ba nhưng lại khai nộp thuế ở nước thứ hai.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Những quốc gia 'bán' quốc tịch giá hàng triệu USD
Những quốc gia 'bán' quốc tịch giá hàng triệu USD

Hoạt động "bán" hộ chiếu - quốc tịch đã manh nha từ hơn 30 năm trước và trong những năm gần đây ngày càng nở rộ, dù mức giá của nó tại nhiều quốc gia "tinh hoa" chỉ dành cho những người siêu giàu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN