Ngày 27/3, trong thông điệp quốc gia, Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố Ấn Độ đã “trở thành cường quốc vũ trụ” bằng việc phóng một tên lửa đạn đạo tự chế lên độ cao 300km, phá hủy một vệ tinh trên quỹ đạo Trái đất.
Theo Bloomberg, động thái này – diễn ra vài tuần trước cuộc bầu cử quốc gia – đã gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân của Ấn Độ là Trung Quốc và Pakistan, đồng thời làm thay đổi tính toán chiến lược của châu Á bởi việc chứng minh New Delhi có khả năng tiêu diệt vệ tinh của đối phương.
Bước phát triển trên cho thấy Ấn Độ, vốn chật vật lâu nay để đẩy nhanh tốc độ mua sắm vũ khí mới và công nghệ quốc phòng lạc hậu, đang tiến gần hơn đến việc sánh vai cùng Trung Quốc, Nga và Mỹ - những nước có thể làm gián đoạn hệ thống thông tin của kẻ thù.
“Về cơ bản, Ấn Độ đang muốn nói rằng chúng tôi là một cường quốc quân sự có mạnh mẽ - nó không nhắm cụ thể bất kỳ quốc gia nào, nhưng đó là một thông điệp gửi tới tất cả các đối thủ của Ấn Độ”, ông Ajey Lele, đại tá không quân nghỉ hưu và hiện là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng, cho biết. Ông nói: “Nếu ai đó muốn làm gì các vệ tinh của chúng tôi, chúng tôi có khả năng làm điều tương tự với vệ tinh của họ”.
“Nhóm độc quyền”
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết New Delhi không tham gia chạy đua vũ trang, song xác nhận rằng “với vụ thử trên, Ấn Độ gia nhập một nhóm độc quyền các quốc gia vũ trụ bao gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc”. Sức mạnh vũ trụ đang gia tăng của Bắc Kinh – từng thử nghiệm bắn vệ tinh 12 năm trước – đã thôi thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump theo đuổi nỗ lực lập ra một “lực lượng vũ trụ”.
“Trung Quốc rõ ràng là một phần của phép tính trên” - đó là nhận định của ông Rajeswari Pillai Rajagopalan, chuyên gia hàng đầu về sáng kiến chính sách vũ trụ và hạt nhân tại Tổ chức Nghiên cứu Giám sát Ấn Độ. Theo ông, vụ phóng tên lửa bắn vệ tinh tương tự của Trung Quốc năm 2007 đã đóng vai trò là “lời thức tỉnh” lớn đến Ấn Độ. “Nó có tác dụng răn đe, và đó rõ ràng là điều mà Ấn Độ muốn truyền đạt”, ông Rajagopalan nói.
Quan hệ của New Delhi với Bắc Kinh, vốn bị căng thẳng bởi các tranh chấp biên giới, đã leo thang hơn nữa khi cả hai chạy đua để giành sức ảnh hưởng trong khu vực. Bắc Kinh đã thúc đẩy hợp tác kinh tế và quân sự đến mức gần chưa từng thấy với Islamabab, trong khi New Delhi cải thiện quan hệ với Washington.
Trung Quốc đang bỏ xa nước láng giềng kém phát triển hơn khi trở thành quốc gia đầu tiên đáp tàu thăm dò xuống “vùng tối” của Mặt trăng hồi tháng 1. Chương trình vũ trụ của Trung Quốc đã lập ra Lực lượng hỗ trợ chiến lược năm 2015 nhằm phát triển tiềm lực hơn nữa.
John Blaxland, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng và chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, tin rằng vụ bắn vệ tinh nhằm thể hiện Ấn Độ “đang hành động” trong vũ trụ. “Các láng giềng của Ấn Độ sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi tiến hành bất kỳ cuộc đụng độ vũ trụ nào trong tương lai”, ông Blaxland nhận xét.
Vụ phóng cũng là thông điệp giúp khẳng định nhiều phương diện trong lòng quốc gia này. Về mặt quân sự, nước này đã chứng tỏ được khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo của kẻ địch. Về mặt chính trị, nó cho thấy sức mạnh quân sự và công nghệ của Ấn Độ ngay trước thềm cuộc tuyển cử quan trọng có thể định đoạt số phận chính trị của ông Modi.
“Điều này đem đến cho ông Modi cơ hội để tự hào về sức mạnh kỹ thuật của nước này ngay trước kỳ bầu cử”, ông Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney đánh giá.