Bài học từ hình mẫu đối phó với tình trạng suy giảm dân số ở Trung Quốc

Giá trị gia đình sâu sắc cùng sự phát triển kinh tế mạnh mẽ chính là động lực chính giúp Quảng Đông, tỉnh rộng lớn ở phía nam Trung Quốc, dẫn đầu về tỷ lệ sinh cả nước.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế in dấu chân kỷ niệm của một em bé sơ sinh tại một bệnh viện ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Tia sáng về tỷ lệ sinh ở Trung Quốc

Cô Julia Chen, 28 tuổi ở Quảng Châu, chưa tìm được người đàn ông lý tưởng, nhưng cô vẫn muốn sinh con và hy vọng sẽ có một cặp sinh đôi một trai một gái. Thu nhập eo hẹp mỗi tháng của nhân viên bán lẻ mỹ phẩm không thể ngăn cản mong ước làm mẹ của cô.

“Những người không giàu có vẫn có cách nuôi dạy con cái riêng của họ. Thay vì cung cấp hỗ trợ vật chất, bạn có thể cung cấp kiến ​​thức và giúp hình thành nhân cách của chúng, điều mà tôi nghĩ là quan trọng hơn”, Chen chia sẻ và cho biết gia đình luôn bên cạnh luôn hỗ trợ cô. Chen hy vọng cô sẽ kết hôn trước khi bước sang tuổi 30.

Trong 4 năm liên tiếp, Quảng Đông là tỉnh duy nhất ở Trung Quốc ghi nhận trên 1 triệu ca sinh mới mỗi năm. Theo số liệu mới nhất, tỉnh này đã đạt kỷ lục tỷ lệ sinh toàn quốc trong 6 năm liên tiếp. Số liệu này được đưa ra một năm sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh 2 con, sau đó tăng lên 3 con vào năm 2021.

Quảng Đông đã ghi nhận 1,03 triệu ca sinh vào năm ngoái, với tỷ lệ sinh  ở mức 8,12 ca/1.000 người đứng đầu bảng xếp hạng toàn quốc, bỏ xa con số 695.000 của tỉnh đứng thứ hai là Hà Nam. Xếp sau là Sơn Đông, Tứ Xuyên và Quý Châu.

Đây là một tia sáng cho Trung Quốc, quốc gia ghi nhận mức sinh thấp kỷ lục là 6,39 ca sinh/1.000 người vào năm 2023, giảm so với con só 6,77 của năm trước.

Trong khi Trung Quốc đang vật lộn với tỷ lệ sinh thấp kỷ lục với dân số giảm 2,08 triệu người – xuống còn 1,4 tỷ người vào năm ngoái, các nhà quan sát cho biết Quảng Đông đang ở vị thế thuận lợi để ngăn chặn xu hướng này.

Những yếu tố đưa Quảng Đông trở thành hình mẫu

Tiến sĩ Zhao Litao, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Đông Á (EAI) thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng dòng người di cư tới khu vực này chính là yếu tố then chốt. Ông nói: “Quảng Đông đang ở vị thế tốt nhất để đối phó với tình trạng suy giảm dân số trên toàn quốc trong tương lai gần”.

Là nơi sinh sống của hơn 120 triệu người, Quảng Đông là tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Theo cuộc điều tra dân số toàn quốc mới nhất năm 2020, có khoảng 44,5 triệu người 20 - 34 tuổi sinh sống ở tỉnh này.

Các nhà phân tích cho rằng sức mạnh kinh tế của tỉnh là sức hút lớn thu hút những người trẻ tuổi từ các vùng khác đến đây sinh sống. Là “công xưởng” sản xuất của Trung Quốc, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Quảng Đông đã vượt 13,57 nghìn tỷ nhân dân vào năm ngoái, đứng đầu danh sách quốc gia trong năm thứ 35 liên tiếp.

“Kết quả, tỉnh này đã thu hút một lượng lớn người di cư trẻ tuổi từ các tỉnh nội địa đang trong độ tuổi sinh đẻ đến sinh sống”, Tiến sĩ Zhao cho biết.

Ông Chen Huang, kỹ sư xây dựng 46 tuổi, người gốc Quảng Châu, cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói rằng trong nhiều năm qua, nhiều công nhân nhập cư trẻ đã đến kiếm sống ở thành phố này.

“Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Quảng Đông mang lại nhiều cơ hội việc làm cho giới trẻ”, ông lưu ý.

Ống cũng nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe chất lượng cũng thúc đẩy các cặp đôi đang có kế hoạch lập gia đình.

Tại Quảng Đông, 22 bệnh viện đứng trong top 100 bệnh viện công tốt nhất đất nước, 50 bệnh viện xếp hạng A trở lên.

Các nhà phân tích lưu ý một lợi thế khác của Quảng Đông là khoảng cách địa lý gần với trung tâm chính trị Bắc Kinh, nơi có bản sắc mạnh mẽ và duy trì các hệ thống gia đình và gia tộc vững mạnh hơn. 

Tiến sĩ Zhao tại EAI cho rằng một số tỉnh khác như Phúc Kiến và Chiết Giang cũng có vị thế tốt để học hỏi kinh nghiệm từ Quảng Đông, xét đến điều kiện tương tự. Cả hai tỉnh này đều nằm dọc bờ biển và nằm trong top 10 tỉnh theo GDP.

Chất lượng quan trọng hơn số lượng

Chú thích ảnh
Học sinh chơi trò chơi trong giờ nghỉ giải lao tại một trường tiểu học ở Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều biện pháp hỗ trợ tăng dân số. Giới chức đã cam kết tăng cường chế độ phúc lợi thai sản, chính sách thuế nhà ở, nguồn lực giáo dục và môi trường để hỗ trợ cho việc sinh con và việc làm.

Năm ngoái, nước  này đã tăng gấp đôi mức khấu trừ thuế thu nhập cá nhân cho dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh lên 2.000 nhân dân tệ/tháng. Ngoài ra, hơn 10 tỉnh đã khởi xướng trợ cấp chăm sóc trẻ em. Trong đó, Bắc Kinh và Quảng Tây đã mở rộng bảo hiểm y tế để chi trả cho nhiều dịch vụ sinh sản hơn.

Các học giả Trung Quốc cũng nhấn mạnh đến hiệu suất dân số của Quảng Đông, cho rằng cần phải thay đổi trọng tâm để các tỉnh khác có thể học hỏi được thành tích của tỉnh này.

Giáo sư Dong Yuzheng, nghiên cứu viên tại Chính quyền tỉnh Quảng Đông cho biết cần phải chuyển hướng chú ý sang việc tạo dựng nhân tài thay vì quy mô dân số. Ông đã đưa ra một số dữ liệu - tỷ lệ giáo dục, phúc lợi và năng lực. Giáo sư Dong cũng đề xuất thúc đẩy phát triển toàn diện ở mọi nhóm tuổi và thiết lập nhiều cơ sở thân thiện với việc sinh con hơn.

Thách thức của Trung Quốc

Song ngay cả khi Trung Quốc nỗ lực cải thiện năng suất và chất lượng của người dân, các nhà phân tích cho rằng dân số giảm vẫn là một vấn đề rõ ràng và đang hiện hữu.

Điều này làm tăng thêm các vấn đề nhân khẩu học mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt - từ lực lượng lao động suy giảm đến xã hội già hóa - khiến quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch càng trở nên khó khăn hơn.

Giới chức Trung Quốc đã nhấn mạnh đến việc giải quyết các điểm yếu như chi phí sinh đẻ và chăm sóc trẻ em cao, cũng như khó khăn của phụ nữ trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Nhưng thực tế, nhiều phụ nữ cảm thấy việc hy sinh để sinh con chưa được bù đắp thỏa đáng.

Chú thích ảnh
Trẻ em tham gia cuộc thi bò tại trung tâm mua sắm ở quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Báo cáo của  Viện Nghiên cứu Dân số YuWa vào tháng 2 nêu rằng phụ nữ nghỉ thai sản có thể bị đối xử bất công tại nơi làm việc - bao gồm bị chuyển sang các bộ phận khác, bị cắt giảm lương hoặc bỏ lỡ cơ hội thăng tiến.

Phụ nữ cũng thường phải đối mặt với các câu hỏi về kế hoạch hóa gia đình trong các cuộc phỏng vấn xin việc hoặc bị từ chối các vai trò. Những người rời bỏ lực lượng lao động để nuôi con cảm thấy khó có thể quay lại và phụ nữ có con có thể chứng kiến mức lương giảm 12-17%.

Và cũng không phải mọi thứ đều tươi sáng đối với Quảng Đông - tỉnh dẫn đầu về tỷ lệ sinh và dân số. Một cuộc khảo sát gần đây của Viện Phát triển Dân số Quảng Đông cho thấy hơn 30% những người sinh sau năm 2000 không muốn sinh con. Trong số những người được hỏi này, hơn 70%  nêu lý do chính là không đủ khả năng chi trả chi phí nuôi dạy con cái.

Đối với ông Chen, mặc dù nhiều năm nữa các con ông mới đến tuổi trưởng thành, nhưng ông đã quyết định sẽ không gây áp lực buộc chúng phải sinh con - không phải vì chi phí mà là vì quyền tự do lựa chọn.

"Nếu con tôi không muốn sinh con, tôi sẽ để chúng tự lựa chọn”, ông nói.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo CNA)
Thượng Hải cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản theo bảo hiểm để thúc đẩy tỷ lệ sinh
Thượng Hải cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản theo bảo hiểm để thúc đẩy tỷ lệ sinh

Trong bối cảnh tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất đất nước, thành phố Thượng Hải đã đưa dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho các cặp vợ chồng vào chương trình bảo hiểm y tế từ đầu tháng 6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN