Kênh CNN (Mỹ) đã tổng hợp lại những bài học về COVID-19 trong năm 2021 dành cho năm 2022 để tiến gần đến việc kết thúc đại dịch.
Đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thời gian thực
Dữ liệu là huyết mạch của y tế công cộng. Trong đó, dữ liệu thời gian thực đã tạo điều kiện để Hàn Quốc, Israel cùng Anh đưa ra đánh giá nhanh chóng sau đó thông báo thông tin về vaccine, biến thể, khẩu trang… Nhiều nơi từng phạm sai lầm như mở cửa quá sớm, chủ quan với việc đeo khẩu trang, không tiêm vaccine COVID-19 nhanh chóng… nhưng sai lầm lớn nhất là không thu thập và hành động dựa trên dữ liệu một cách nhanh chóng.
Mọi quốc gia cần nâng cấp hệ thống dữ liệu. Hệ thống giám sát chặt chẽ trên toàn cầu được “chống lưng” bởi mạng lưới phòng thí nghiệm chính xác và nhanh chóng sẽ là cần thiết để đạt mục tiêu 7-1-7. Mục tiêu toàn cầu 7-1-7 là phát hiện dịch bệnh trong 7 ngày, trong 1 ngày phải cảnh báo công chúng, giới chức và tiến hành điều tra, sau đó là 7 ngày để phản ứng.
Chia sẻ thông tin hiệu quả
Việc đưa ra các đề xuất mang tính thông tin và dựa trên thực tế là điều then chốt ở thời điểm thiếu thông tin và tin giả khiến công chúng lúng túng, gia tăng nỗi sợ hãi trong họ. Những lãnh đạo truyền tải thông điệp hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu hơn về rủi ro của chính họ và có quyết định hành động hợp lý.
Xây dựng lòng tin
Chính sách dựa trên bằng chứng cũng như việc trao đổi thông tin rõ ràng nhằm chống tin giả rất quan trọng cho phản ứng hiệu quả trước dịch bệnh của chính phủ. Khi lòng tin được củng cố, việc chấp nhận vaccine sẽ dễ dàng hơn. Một ví dụ được CNN đưa ra là sự quản lý tốt của Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi trong việc điều phối phản ứng rộng khắp toàn châu lục trong giai đoạn đầu đại dịch.
Bảo vệ các nhân viên y tế
Năm 2021 được coi là thiếu sót và thảm kịch khi tình hình nhân viên y tế không được bảo vệ vẫn tiếp diễn, nhiều người đã tử vong vì COVID-19. Lương thấp, quy trình phòng ngừa lây nhiễm lỏng lẻo, thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân, làm việc nhiều giờ và thiếu hỗ trợ pháp lý, sức khỏe tinh thần là lý do dẫn đến nguy cơ toàn thế giới thiếu 18 triệu nhân viên y tế trong thập niên tới. Lực lượng nhân viên y tế kiên cường không chỉ cần thiết cho việc chống lại đại dịch COVID-19 mà còn trong việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân hàng ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc cần tiêm vaccine cho nhân viên y tế trên toàn thế giới càng sớm càng tốt. Đầu tư vào đào tạo, nguồn lực và công cụ để khiến các cơ sở chăm sóc sức khỏe trở nên an toàn hơn.
Tiêm vaccine cho toàn cầu
Hầu hết người dân ở những quốc gia thu nhập cao đều đã tiêm đủ 2 liều vaccine trong khi ở châu Phi con số này là chưa đầy 10%. Chúng ta không thể chấm dứt đại dịch nếu thiếu vaccine và cần tiêm chủng cho càng nhiều người dân trên toàn thế giới càng nhanh càng tốt.
Điều này đồng nghĩa với việc năm 2022 cần tăng cường sản xuất và phân phối công bằng vaccine đồng thời đẩy mạnh nguồn vốn dành cho các chương trình tiêm chủng ở châu Phi và nhiều nơi khác.
Phát hiện và ngăn chặn các rủi ro nhanh chóng
Năm 2022, thế giới cần tăng cường đầu tư tài chính, kỹ thuật và cả chính trị để củng cố bảo vệ y tế toàn cầu. Nam Phi đã nhanh chóng phát hiện và cảnh báo với thế giới về biến thể Omicron, đây được coi là hình mẫu cho việc nhận diện và phản ứng nhanh chóng về các rủi ro.
Chủ động trước các dịch bệnh tương lai
COVID-19 không phải là dịch bệnh cuối cùng mà thế giới phải đối mặt. COVID-19 đã khiến trên 10 triệu người tử vong, kinh tế toàn cầu khó khăn và thiệt hại gần 15 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, thế giới vẫn trong tình thế bị động và không được bảo vệ trước các dịch bệnh trong tương lai.
Để ngăn chặn các dịch bệnh, thế giới cần các tổ chức y tế công cộng mạnh mẽ hơn cũng như những chuyên gia kỹ thuật và quản lý. Hiệp định dịch bệnh toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dẫn đầu đề xuất có thể mang tính hỗ trợ. Do vậy, năm 2022 toàn cầu cần nâng cao sự chuẩn bị sẵn sàng.