Latvia: Dùng công nghệ chuỗi khối để kiểm soát thuế và dòng tiền
Hiện nay, Latvia là một trong những nước hàng đầu châu Âu kiểm soát dòng tiền. Năm 2018, Bộ Tài chính Latvia đã có quy định rằng các giao dịch từ 7.200 euro (khoảng 187 triệu đồng) trở lên sẽ không được thực hiện bằng tiền mặt. Ngưỡng được phép sử dụng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và cá nhân bị giảm xuống 3.000 euro (khoảng 78 triệu đồng). Quyết định này được đưa ra như là một biện pháp nhằm đối phó với nền kinh tế ngầm ở Latvia.
Hiện nay, cơ quan thuế Latvia còn phát hiện ra công nghệ Blockchain cũng có thể được sử dụng để chống lại kinh tế ngầm. Blockchain (chuỗi khối) là một cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin thành các khối (block) được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Nhờ đó, công nghệ này được coi như là “sổ kỹ thuật số” có thể được sử dụng trong máy tính tiền tại các điểm bán hàng. Tính năng này giúp Blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại kinh tế ngầm.
Bộ Tài chính Latvia đánh giá giải pháp dựa trên chuỗi khối sẽ tăng cường khả năng giám sát. Họ đề xuất phát triển giải pháp kỹ thuật cho các thiết bị điện tử tại điểm bán hàng. Dữ liệu thương mại từ điểm bán hàng này sẽ được chuyển trực tiếp tới Cơ quan Thuế nhà nước bằng công nghệ chuỗi khối.
Mỹ: Thay đổi chính sách chính phủ
Tại Mỹ, nơi kinh tế ngầm ước tính chiếm tương đương 7,8% GDP năm 2018, một số người kêu gọi chống lại vấn đề này thông qua thay đổi chính sách chính phủ, ví dụ như quản lý ngành ngân hàng. Một trong những yếu tố khiến kinh tế ngầm “có đất diễn” tại Mỹ là số lượng người không có tài khoản ngân hàng, vì nhiều lý do như qui định số dư khi mở tài khoản cao, quy định khắt khe hoặc lo sợ ngân hàng không an toàn…
Trước thực trạng số người không có tài khoản ngân hàng ở Mỹ ngày càng tăng, ông Richard Rahn, một nhà kinh tế và là cựu thành viên cấp cao tại Viện Cato ở Washington, đã kêu gọi giảm thuế và nới lỏng quản lý ngân hàng. Hai điều này có thế khiến nhiều người thích giữ tiền ở nhà hơn.
Một công cụ khác là thực thi luật. Cơ quan Thuế vụ Mỹ từ năm 2011 đã bắt đầu làm việc với một số bang để chấn chỉnh tình trạng chủ lao động xếp nhân viên vào dạng nhà thầu độc lập nhằm tránh phải đóng một số loại tiền, thuế cho nhân viên.
Cùng năm đó, Bộ Lao động và Bộ Tài chính cũng có những động thái tương tự để ngăn chặn cách làm này của giới chủ lao động. Kết quả là 37 bang đã thành lập đội đặc nhiệm liên ngành nhằm thu hồi khoản tiền đã mất vì kinh tế ngầm.
Ở bang đông dân nhất nước Mỹ là California, kinh tế ngầm thu hút 15-17% lực lượng lao động và tạo ra tới 140 tỷ USD/năm, khiến nhà nước thất thu 28 tỷ USD thuế hàng năm.
Các điều tra viên tại California đã tập trung vào tình trạng cố tình phân loại người lao động là nhà thầu độc lập, các công việc không được quản lý và tình trạng trả lương bằng tiền mặt hoặc bằng phương thức trao đổi. Họ đã thành công trong việc tìm ra người vi phạm nhưng việc thu thuế gặp khó khăn hơn do nguồn lực thực thi pháp luật quá mỏng. Dù vậy, bà Christine Baker, lãnh đạo Cơ quan Lao động California, cho biết dù còn hạn chế nhưng bà tin rằng việc tích cực phát giác các hành vi hình sự và gian lận đã vạch mặt những người vi phạm và là biện pháp răn đe. Bà Baker nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ có đủ nhân lực để chạy theo việc này, song chúng ta có thể hành động ở tầm chiến lược”.
Các lực lượng đặc nhiệm bang nhằm vào nhiều ngành khác nhau, như nông nghiệp, sản xuất ô tô, rửa ô tô, xây dựng, quần áo, sản xuất, lợp mái, tái chế…
Nga: Tạo điều kiện tiếp cận “kinh tế trắng”
Tại Nga, kinh tế ngầm chiếm tương đương 20% GDP năm 2018, giảm so với mức 39% năm 2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận điều này không tốt. Phát biểu với hãng thông tấn TASS, ông Putin nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn kinh tế ngầm, nhưng không chỉ bằng cách triệt phá, mà còn bằng cách tạo điều kiện hấp dẫn để mọi người có thể kinh doanh hợp pháp.
Trong những năm qua, nước Nga đã thực hiện một số biện pháp hiệu quả để giảm kinh tế ngầm. Giáo sư Alexander Abramov thuộc Khoa Thị trường chứng khoán và Đầu tư tại Trường Kinh tế cao cấp chỉ ra rằng quy mô kinh tế ngầm ở Nga đang giảm nhờ tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận “kinh tế trắng”.
Giáo sư kinh tế Douglas McWilliams giải thích khái niệm “kinh tế trắng” là khu vực kinh tế hợp pháp, đạt được tăng trưởng nhờ vào hoạt động khởi nghiệp, nhà thầu, doanh nghiệp nhỏ và liên kết...
Dự báo về tương lai kinh tế ngầm ở Nga, nhà kinh tế Sergey Hestavov (hiện là cố vấn kinh tế vĩ mô cho Giám đốc điều hành công ty môi giới Opening-Broker) cho rằng quy mô sẽ giảm dần dù chậm, trong bối cảnh Nga đang thực hiện quá trình số hóa nền kinh tế, thanh toán không tiền mặt và siết chặt kiểm soát.
Australia: Sẽ kiểm tra đột xuất 4.000 doanh nghiệp
Cơ quan Thuế vụ Australia (ATO) vừa cảnh báo sẽ tăng cường hoạt động thực thi pháp luật từ nay tới hết năm tài chính 2019. Theo đó, ATO sẽ kiểm tra 4.000 doanh nghiệp để xem có hoạt động kinh tế ngầm hay không. ATO cũng đã cập nhật dữ liệu về tiêu chuẩn cho hơn 100 ngành dựa trên dữ liệu của hơn 1,5 triệu doanh nghiệp nhỏ.
Tiêu chuẩn được hệ thống tự động của ATO sử dụng để phát hiện hoạt động kinh doanh bất thường - có thể là bằng chứng gian lận hoặc không tuân thủ luật thuế. Công ty bị đánh giá dưới tiêu chuẩn quá nhiều có thể bị “đưa vào danh sách đen” để ATO điều tra thêm.
Trong thông báo mới công bố, ATO khẳng định các tiêu chuẩn sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ tồn tại tốt. Người phát ngôn ATO khẳng định: “ATO sẽ tới các doanh nghiệp trên toàn Australia để bảo vệ các doanh nghiệp trung thực khỏi bị cạnh tranh không công bằng thông qua biện pháp xử lý các hoạt động kinh tế ngầm”.
Indonesia thực hiện chính phủ điện tử
Indonesia có chính sách ưu đãi thuế thuộc hàng thành công nhất thế giới. Khi chương trình ưu đãi thuế kết thúc tháng 3/2017, Indonesia thu được 147.000 tỷ rupiah (238.000 tỷ đồng) thuế, tương đương 1,1% GDP. Đây được coi là mức doanh thu cao nhất của một chương trình ưu đãi thuế trên thế giới.
Tuy nhiên, kinh tế ngầm ở Indonesia đang kìm hãm nước này phát huy hết tiềm năng thu thuế. Indonesia có thể đã thu được 237.000 tỷ rupiah nếu ngăn chặn thành công hoạt động kinh tế ngầm.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thực hiện chính phủ điện tử sẽ giảm nhẹ công việc hành chính, giảm chi phí hành chính và đơn giản thủ tục hành chính theo nguyên tắc chỉ một lần duy nhất. Nguyên tắc này có nghĩa là doanh nghiệp và công dân chỉ cần cung cấp thông tin cho chính phủ một lần.
Năm 2014, Chính phủ Indonesia đã công bố Kế hoạch Băng thông rộng để thực hiện chính phủ điện tử tốt hơn. Khi chính phủ điện tử giúp giảm được chi phí và thủ tục hành chính, giảm được tình trạng trốn thuế và cho phép mọi công dân có thể báo cáo hành vi sai trái, thì lúc đó, chính phủ điện tử cuối cùng sẽ làm giảm quy mô hoạt động kinh tế ngầm.
Nghiên cứu của tác giả Linda Veiga và Ibrahim Kholilul Rohman mang tên “Chính phủ điện tử và kinh tế ngầm: Bằng chứng toàn cầu” cho thấy chỉ số đánh giá chính phủ điện tử càng cao thì quy mô kinh tế ngầm càng nhỏ.
Cùng với chính phủ, người tiêu dùng cũng có thể chống kinh tế ngầm
Theo ông George Simon, Chủ tịch khu vực Trung và Đông Âu của công ty Mastercard, chính người tiêu dùng cũng có thể đóng góp vào chống kinh tế ngầm cùng chính phủ.
Tuy nhiên, chưa có nhiều người dân nhận thức rõ về việc làm thế nào để chống kinh tế ngầm. Khảo sát gần đây ở khu vực Trung và Đông Âu cho thấy nhiều người không nhận ra rằng chính thói quen mua sắm của họ có thể tạo ra khác biệt và một trong những yếu tố đóng góp lớn nhất hạn chế kinh tế ngầm thụ động. Kinh tế ngầm thụ động là khi người tiêu dùng giao dịch hợp pháp với người bán, nhưng người bán lại không báo cáo giao dịch để tránh thuế.
Do đó, cách hiệu quả nhất mà người tiêu dùng sử dụng trong trường hợp này là luôn yêu cầu có hóa đơn hoặc thanh toán điện tử thay vì tiền mặt. Tiền mặt là một trong những thủ phạm chính dẫn tới kinh tế ngầm vì nó giảm đăng ký giao dịch và cho phép trốn thuế.
Do nhiều người chưa biết điều đó nên Mastercard cho rằng cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, để họ có thể cùng chính phủ tích cực góp phần chống lại kinh tế ngầm.