Tổng cục Thống kê hiện đã thu thập thông tin và có thể tính toán cho các hoạt động kinh tế phi chính thức, kinh tế hộ gia đình tự sản, tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Còn lại kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp thì rất khó để thu thập thông tin.
Ngày thu chục triệu, nhưng không có hóa đơn
Trong căn phòng khám tư chỉ rộng chừng hơn chục m2 của một bác sĩ nhi tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cứ tầm 5 giờ chiều hàng ngày lại chật kín các bậc cha mẹ và trẻ em. Từ nhiều năm nay, phòng khám này được truyền tai nhau là “mát tay”, nên nhiều bậc phụ huynh đã đưa con đến khám ở đây.
Sau khi khám và chẩn đoán bệnh các cháu, bác sĩ kê đơn. Phí khám bệnh được bác sĩ trực tiếp thu luôn và không hề có một tờ hóa đơn nào đưa lại cho người nhà bệnh nhân.
Phí khám bệnh tại đây được bác sĩ dán thông báo trên tường là 300.000 đồng/lần khám. Mỗi ngày trong tuần, bác sĩ khám 2 tiếng đồng hồ từ 17 - 19 giờ, với khoảng 20 – 30 bệnh nhân, cuối tuần còn khám cả sáng. Số tiền phòng khám này thu được ước tính tới cả gần chục triệu đồng/ngày. Tuy nhiên không hề có hóa đơn, chứng từ gì, nên nếu cơ quan thuế muốn nắm bắt nguồn thu để quản lý thuế thu nhập cá nhân của bác sĩ này thì không hiểu sẽ dựa trên căn cứ nào.
Anh Nguyễn Kiên (Thanh Trì, Hà Nội) cho con đến khám bệnh tay chân miệng tại phòng khám này cho biết: “Phòng khám tại nhà, nên bác sĩ không thuê nhân viên. Có mỗi cậu con trai đứng ngoài đón khách và sắp lịch khám. Bác sĩ vừa khám vừa thu tiền. Chúng tôi sau khi khám cho con, chỉ hỏi bác sĩ hết bao nhiêu tiền khám thì gửi bác sĩ, chứ không thấy ai hỏi hóa đơn làm gì...”.
Tương tự phòng khám này, hiện nay, không ít dịch vụ, sản phẩm hàng hóa được bán với giá cao, nhưng lại không hề có hóa đơn tài chính. Chỉ khi khách hàng yêu cầu, thì bên cung cấp dịch vụ mới làm hóa đơn và khách thường phải đợi lấy sau chứ hiếm khi được lấy hóa đơn ngay.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Ngọc Diệp (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đăng ký mua một tour du lịch Nhật Bản với giá 30 triệu đồng/người cho hai vợ chồng. Khi nhận được thông báo chuyển tiền cho công ty du lịch, nhưng lại không phải là số tài khoản công ty, mà là số tài khoản của một cá nhân, chị Diệp thắc mắc thì được phía công ty du lịch giải thích: Các khách hàng cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn và nhằm “né thuế”, nên công ty nhận tiền qua tài khoản cá nhân.
Hiện tượng nhiều doanh nghiệp (DN), cá nhân “né thuế”, bán hàng không xuất hóa đơn không còn là chuyện lạ trong xã hội hiện nay. Nhiều DN có hai hệ thống sổ sách kế toán, một sổ để hạch toán nội bộ và một để báo cáo với cơ quan thuế. Doanh thu của hai sổ này chắc chắn chênh nhau rất nhiều.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Thuế đã thực hiện gần 64.000 cuộc thanh tra, kiểm tra với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 11.300 tỷ đồng. Con số này không hề nhỏ, nhưng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng trôi, bởi thực tế, các DN, hộ kinh doanh có vô số chiêu trò để qua mắt cán bộ thuế.
Đây chính là những biểu hiện của “kinh tế ngầm”, theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê, là các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp, nhưng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động giấu giếm, không khai báo với mục đích trốn thuế.
Buôn lậu lọt lưới hàng chục tỷ USD
Kinh tế bất hợp pháp tồn tại ngang nhiên trong xã hội hiện nay, dù ai cũng biết, nhưng chưa thể thống kê hết. Biểu hiện rõ nét của hoạt động này có thể dễ dàng thấy được qua số liệu thống kê xuất nhập khẩu chênh lệch lớn giữa Việt Nam và các nước chung đường biên giới trong nhiều năm qua.
Ví dụ trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, hoạt động mua bán qua đường tiểu ngạch phổ biến, đường biên giới kéo dài, địa hình hiểm trở là những nguyên nhân khiến hàng lậu, hàng trốn thuế được tuồn từ nước bạn về Việt Nam và không thể thống kê.
Đơn cử, năm 2010, Việt Nam thống kê xuất nhập khẩu giữa hai nước là 20,2 tỉ USD, trong khi hải quan Trung Quốc thống kê là 23,1 tỉ USD, chênh nhau gần 3 tỉ USD. Năm 2014, con số chênh nhau lên tới 20 tỉ USD.
Năm 2014, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam nhập từ Trung Quốc gần 44 tỉ USD, song phía Trung Quốc lại thống kê xuất khẩu sang Việt Nam gần 64 tỉ USD. Trong đó, chênh lệch lớn nhất là nhóm hàng liên quan tiêu dùng, sản xuất, gia công dệt may, máy móc, thiết bị… lên đến 12,5 tỉ USD. Nhóm hàng rau quả, số liệu của Việt Nam công bố chỉ nhập 500 triệu USD từ Trung Quốc, trong khi phía Trung Quốc công bố 2,1 tỉ USD xuất sang Việt Nam, chênh nhau đến 1,6 tỉ USD.
Sự chênh lệch trong số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa 2 nước được Tổng cục Thống kê lý giải là do sự khác nhau về phương pháp thống kê. Song, không thể phủ nhận thực tế là các chuyến hàng tiểu ngạch qua biên giới rất khó kiểm soát.
Trung tâm thương mại Đồng Đăng, nơi mới được xây dựng tại thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) sát biên giới Trung Quốc, chuyên kinh doanh, buôn bán các sản phẩm hàng tiêu dùng Trung Quốc. Các tiểu thương ở đây thường giới thiệu hàng hóa của mình là hàng Trung Quốc tốt, nhập khẩu chính ngạch. Nhưng khi được hỏi về hóa đơn, chứng từ thì họ sẽ không xuất trình được.
Một tiểu thương bán đồ chơi trẻ em (đề nghị giấu tên) trong trung tâm thương mại này bật mí, hóa đơn bán hàng sẽ được phía đầu nậu Trung Quốc “lo”. Muốn có hóa đơn mua hàng thì các tiểu thương thường phải cộng thêm 5% giá trị lô hàng, do đó không nhiều người chi thêm khoản này.
Năm 2018, lực lượng kiểm soát hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 16.600 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 1.702 tỷ đồng (tăng hơn 115,61 %); thu ngân sách đạt gần 351 tỷ đồng (tăng 4,83%) so với cùng kỳ năm 2017. Con số này chắc chắn chưa phản ánh hết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, một trong những hoạt động kinh tế bất hợp pháp.
Đó là còn chưa kể đến các hoạt động kinh tế bất hợp pháp khác như buôn bán ma túy, vũ khí, động vật hoang dã trái phép, mại dâm, nạn tín dụng đen, cho vay nặng lãi… dù bị pháp luât cấm, nhưng vẫn có những vụ việc nhỏ lẻ bị phát hiện và trên thực tế thì chưa ai đo đếm được hết quy mô lớn đến đâu.
Ngày 7/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm phản ánh đầy đủ quy mô của nền kinh tế theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam. Tất cả những hoạt động kinh tế bất hợp pháp, kinh tế ngầm… sẽ được đưa vào “tầm ngắm”.
Theo định nghĩa của Liên hiệp quốc (đã được Tổng cục Thống kê Việt Nam chọn làm cơ sở để khảo sát, điều tra), khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố:
- Hoạt động kinh tế ngầm (các hoạt động sản xuất kinh doanh hợp pháp nhưng chủ cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động giấu giếm, không khai báo với mục đích trốn thuế, không nộp thuế thu nhập, không nộp thuế trị giá gia tăng…);
- Hoạt động kinh tế bất hợp pháp (hoạt động bị pháp luật cấm như buôn bán ma túy, mại dâm…);
- Hoạt động kinh tế phi chính thức (các hoạt động sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ; quan hệ lao động giữa chủ sử dụng lao động với người lao động thường trên cơ sở thỏa thuận tạm thời, không ký kết hợp đồng lao động…);
- Hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu (tự sản xuất để tiêu dùng và tích lũy);
- Hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.