Năm 2020 sẽ thống kê khu vực kinh tế ngầm, bất hợp pháp vào GDP

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê khẳng định việc thống kê các hoạt động "kinh tế chưa được quan sát" như kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, kinh tế phi chính thức... vào GDP là cần thiết để từ đó Chính phủ hoạch định chính sách chuẩn xác cho nền kinh tế.

Tại cuộc họp báo sáng 20/2 của Tổng cục Thống kê về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm chia sẻ rằng việc thống kê hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp là rất khó khăn vì đối tượng không khai báo.

Theo giải thích của Tổng cục Thống kê, hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm một cách có chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Trong khi đó, hoạt động kinh tế bất hợp pháp gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm như sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm, gian lận thương mại…

Chú thích ảnh
Buôn lậu là hoạt động kinh tế bất hợp pháp mà hiện nay vẫn chưa được thống kê đầy đủ. Trong ảnh: Các đối tượng vận chuyển thuốc lá lậu công khai qua ngã ba Đức Hòa (thuộc thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, Long An). Ảnh: Trường Giang/TTXVN

Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thống kê tính đúng, tính đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, để thống kê được các nhóm này, có thể tiếp cận 2 phương pháp từ bên sản xuất và bên tiêu dùng.

"Chúng tôi sẽ tiếp cận nội hàm của từng thành tố đó, kiến nghị Thủ tướng đưa vào thu thập thông tin bên sản xuất hay bên sử dụng, Bộ ngành nào sẽ chịu trách nhiệm chính trong thu thập thông tin. Mặc dù có khó khăn, thách thức nhưng với sự phối hợp của các Bộ ngành, chúng tôi sẽ có lộ trình khả thi trong từng năm, thu thập số liệu như thế nào. Ngành thống kê sẽ nghiên cứu thêm tài liệu quốc tế nữa", ông Lâm cho biết về cách thực hiện.

Ông Nguyễn Bích Lâm nêu thực trạng: Doanh nghiệp có doanh thu 100 tỷ đồng mà chỉ khai có 70 tỷ đồng thì ngành thống kê cũng chỉ nắm được có 70 tỷ đồng. Ngay trong những đơn vị mà trước nay đã được quan sát thì cũng có tình trạng chưa quan sát hết. Do đó, thời gian tới Tổng cục sẽ phải phối hợp với các cơ quan chức năng như ngành thuế để có biện pháp thống kê đầy đủ.

Cũng theo ông Lâm, nếu thống kê đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát thì GDP của Việt Nam có thể sẽ cao hơn. 

Thừa nhận việc thống kê các nhóm hoạt động này không đơn giản, tuy nhiên, ông Nguyễn Bích Lâm cam kết sẽ cùng với các Bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới.

Đi vào chi tiết việc thống kê diễn ra như thế nào, ông Lâm cho biết, năm nay Tổng cục Thống kê sẽ lập danh mục tính toán, cùng các Bộ ngành rà soát các nội hàm ở từng khu vực, nội hàm nào do Bộ nào thực hiện, đề xuất kinh phí triển khai thực hiện, và chính thức đưa vào tính toán trong năm 2020.

Riêng với hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của các hộ gia đình đã dược tính toán từ 10 năm trước, nhưng việc thu thập có thể chưa chính xác do người dân cung cấp không đầy đủ thông tin. Do đó lần này sẽ đánh giá lại chi tiết hơn.

Ông Nguyễn Bích Lâm không tiết lộ kinh phí cho việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

"Năm 2018 Tổng cục Thống kê đã đánh giá lại quy mô GDP và có kết quả cuối cùng về quy mô kinh tế. Tuy nhiên, Tổng cục đang mời Quỹ Tiền tệ quốc tế - IMF vào đánh giá lại rồi mới công bố số liệu. Trong quá trình đánh giá thì các hoạt động phi chính thức, tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót đã được đánh giá là chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trong GDP. Tuy nhiên, những thông tin này sẽ được công bố sau khi IMF đánh giá độc lập xong", ông Lâm cho hay.

Cũng tại cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết thêm: Nhiều hoạt động của nền kinh tế đã được quan sát nhưng chưa quan sát hết do có đơn vị cố gắng giấu diếm. Tổng cục Thống kê gần 1 năm nay đã phối hợp với 16 Bộ ngành và làm việc trực tiếp với 14 Bộ ngành để xem hoạt động nào khả thi thì triển khai nhanh, với mục đích cao nhất là mở rộng tối đa khu vực quan sát, thu hẹp tối đa khu vực chưa được quan sát.

Với ý kiến cho rằng việc thống kê này là tận thu thuế với cả ông lái xe ôm, bà bán hàng rong, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng đây không phải là việc tận thu thuế mà cần thiết để tổ chức sản xuất tốt hoạt động kinh doanh từ hộ cá thể nhỏ lẻ đến các tập đoàn kinh tế.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: (1) kinh tế ngầm, (2) kinh tế bất hợp pháp, (3) kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, (4) hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu, (5) hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Trong số 5 thành tố này, Tổng cục Thống kê hiện đã thu thập và tính toán cho thành tố thứ 3, 4 và 5. Hai thành tố còn lại sẽ được nghiên cứu, tính toán trong năm 2020.
Hoàng Dương/Báo Tin tức
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Không 'chống lưng' cho đối tượng buôn lậu
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Không 'chống lưng' cho đối tượng buôn lậu

Chiều 19/2, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã thăm, làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN