Trước thềm xuân mới, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Văn Thiếu, Phó Tư lệnh, BTL Vùng CSB 1 về công tác phòng chống buôn lậu trên biển trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Đại tá có thể khái quát đôi nét về những kết quả của công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên biển mà Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đã thực hiện trong thời gian qua?
Thời gian qua, Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 đã bám sát chủ trương, Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và các cấp về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Bộ tư lệnh Vùng CSB 1 đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về công tác này để triển khai trong toàn lực lượng. Qua theo dõi về công tác này chúng tôi nhận thấy hành vi của tội phạm buôn lậu cũng như lượng hàng hoá buôn lậu vẫn không hề giảm.
Theo qui luật, các mặt hàng mà tội phạm buôn lậu vận chuyển có sự thay đổi theo giá cả của thị trường; nhưng phổ biến nhất vẫn là các mặt hàng như khoáng sản, than, xăng dầu, rượu, thuốc lá thẩm lậu, hàng điện tử…
Để triệt phá các đường dây buôn lậu, lực lượng CSB đã tập trung các biện pháp trinh sát, đưa cán bộ có nghiệp vụ giỏi thọc sâu vào các tuyến mũi nhọn ở từng địa bàn trọng điểm. Tổ chức mật phục, phối hợp với các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường để nắm bắt thông tin, địa bàn để đón bắt.
Trong năm 2018, lực lượng BTL Vùng CSB 1 đã phát hiện, bắt giữ, tổ chức điều tra, xác minh xử lý 35 vụ; xử phạt vi phạm hành chính gần 913 triệu đồng, tịch thu trên 9.123 tấn than các loại, 24.507 kg dầu FO, 174.408 lít dầu DO, trên 1.485 tấn clinker… So với năm trước, lượng hàng hóa bắt giữ không giảm, nhưng giá trị của hàng hóa thì có giảm. Nếu như năm 2017 giá trị hàng hóa bắt giữ trên 30 tỷ, thì năm 2018 chỉ khoảng hơn 10 tỷ đồng.
Trước đây, bọn buôn lậu khoáng sản thường xuất lậu hàng sang Trung Quốc, nhưng nay nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt nên chúng tìm hướng luồn sâu vào nội địa để “ăn hàng”. Khi bị phát hiện, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, yêu cầu chủ hàng chứng minh nguồn gốc hàng hóa thì chỉ có hóa đơn liên 1 và liên 3 được viết đầy đủ, nhưng số lượng lại không trùng khớp với liên 2. Đây là thủ đoạn trốn thuế mà các đối tượng buôn lậu sử dụng rất công khai.
Trong lĩnh vực khoáng sản, chúng còn dùng mánh khóe lợi dụng hóa đơn lô hàng than loại cám 6, nhưng hàng chở trên tàu lại là than cám 5, nên lực lượng trinh sát phải rất vất vả để thu thập chứng cứ vạch trần thủ đoạn của bọn buôn lậu.
Trong lĩnh vực gian lận thương mại xăng dầu, chủ hàng dùng thủ đoạn quay vòng hóa đơn. Khi xuất hàng đi, đối tượng thường dùng hóa đơn nội bộ chứ không dùng hóa đơn đỏ, mượn cớ xuất hóa đơn từ kho lớn sang kho nhỏ hòng lách luật để trốn thuế.
Công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trên đất liền đã khó, nhưng trên biển còn khó khăn hơn. Vậy lực lượng CSB đã có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa Đại tá?
Nhiều năm qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại của lực lượng CSB rất gian nan vì trên vùng biển phía Bắc nhiều luồng lạch, nhiều đảo, làm khuất tầm nhìn, giảm khả năng quan sát của lực lượng chức năng. Địa bàn, địa hình càng khó khăn thì bọn buôn lậu càng lợi dụng nhiều.
Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp được Quốc hội thông qua năm 2014 đã hiệu lực góp phần tạo điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp; nhưng các đối tượng buôn lậu cũng đã lợi dụng vấn đề này để dùng thủ thuật “tạm nhập, tái xuất” để trốn thuế.
Qua điều tra, lực lượng CSB đã phát hiện các đối tượng buôn lậu trong nước cấu kết với những công ty của nước ngoài (hiểu nôm na là công ty "ma") để lách luật trốn thuế, trong đó các mặt hàng thẩm lậu vào nội địa chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại và đa phần là những nhóm hàng tạm nhập tái xuất.
Vậy để hạn chế tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại, trong thời gian tới lực lượng CSB sẽ tập trung vào các giải pháp gì, nhất là khi Luật CSB sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, thưa Đại tá?
Như chúng ta đã biết, trước khi có Luật CSB thì năm 1998 Pháp lệnh CSB cũng đã có hiệu lực thi hành. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật CSB và sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới càng thể hiện rõ chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền của CSB.
Phát huy sức mạnh của toàn lực lượng, BTL Vùng CSB 1 sẽ tiếp tục đấu tranh với các loại tội phạm, thực thi pháp luật trên biển, nhất là bọn tội phạm buôn lậu và các tội phạm cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, tội buôn bán người...
Luật CSB sẽ góp phần tăng cường nhiệm vụ cho CSB, phối hợp với các lực lượng bên ngoài và các nước trong khu vực và trên thế giới để đấu tranh với các tội phạm kinh tế, tội phạm buôn lậu trên biển, cướp có vũ trang.
Thưa Đại tá, ngư dân làm ăn trên biển có vai trò quan trọng, là “tai mắt” của lực lượng CSB trong việc cung cấp thông tin về tình hình buôn lậu, Đại tá có nhận xét gì về quan điểm này?
Đúng vậy. Ngư dân làm ăn trên biển luôn là tai mắt của chúng tôi trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, cùng phối hợp để đấu tranh với các loại tội phạm và là một trong những nguồn thông tin quan tọng.
Chúng tôi là lực lương giữ gìn an ninh biển, vừa thực thi pháp luật trên biển nhưng đồng thời cũng là lực lượng tuyên truyền Luật pháp cho ngư dân. Đối với ngư dân đánh bắt hải sản trên biển phải hiểu được chủ quyền của vùng biển Việt Nam, an ninh trật tự trên vùng biển và chức trách của lực lượng CSB như thế nào.
Khi ngư dân hiểu được Luật CSB thì họ sẽ chấp hành tốt pháp luật, tạo niềm tin và cung cấp thông tin cho CSB. Rõ ràng công tác đồng hành cùng ngư dân đã góp phần tạo điều kiện cho CSB hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Xin trân trọng cảm ơn Đại tá!