Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước giúp hoạch định chính sách phát triển KT - XH

Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030.

Chú thích ảnh
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Việc ban hành Bộ tiêu chí này có ý nghĩa rất lớn cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội đối với nước ta. Bởi, các chính sách của quốc gia, bộ, ngành được xây dựng trên cơ sở bằng chứng là số liệu thống kê nhà nước có chất lượng, công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài gia tăng đầu tư sẽ tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng tốc độ tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững.  Để hiểu rõ hơn, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

 

Mới đây, Thủ tướng Chính đã ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030. Ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành Bộ tiêu chí này?

Quyết định số 01/2019/QĐ-TTg ngày 05/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 (Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước) là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định chất lượng thống kê nhà nước bằng 19 tiêu chí chất lượng cụ thể.

Việc ban hành Bộ tiêu chí này có ý nghĩa rất lớn cả về mặt kinh tế, chính trị, xã hội đối với nước ta. Ban hành và áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước có tác động trực tiếp tới hiệu lực, hiệu quả điều hành đất nước. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị vĩ mô, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội trên các lĩnh vực của Chính phủ; đề ra các giải pháp quản lý đất nước của các bộ, ngành và địa phương.

Vì các chính sách của quốc gia, bộ, ngành được xây dựng trên cơ sở bằng chứng là số liệu thống kê nhà nước có chất lượng, công khai, minh bạch. Từ đó, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài gia tăng đầu tư; tạo thêm nhiều việc làm, gia tăng tốc độ tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc ban hành và áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước sẽ đem lại lợi ích rất lớn về mặt xã hội. Đó là làm tăng trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước thông qua các thông tin thống kê có chất lượng được đánh giá bằng bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước. Cùng đó, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng thiếu tin tưởng của người dân vào các kết quả hoạt động của Nhà nước, góp phần làm cho xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Thêm nữa, việc ban hành và áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước sẽ nâng cao trách nhiệm của Hệ thống tổ chức thống kê nhà nước. Đặc biệt là trách nhiệm của hệ thống tổ chức thống kê tập trung trong việc nâng cao chất lượng thông tin thống kê. Đồng thời, nâng cao vị thế của Thống kê Việt Nam trong hệ thống thống kê ASEAN và cộng đồng thống kê quốc tế.

Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 bao gồm bao nhiêu tiêu chí và mục đích của những tiêu chí này là gì thưa ông?

Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 bao gồm 19 tiêu chí với 92 nội dung phản ánh toàn diện các nét đặc trưng liên quan tới chất lượng thống kê nhà nước. Để quản lý môi trường thể chế cho các hoạt động thống kê, bộ tiêu chí đề cập tới 6 nội dung phải được đảm bảo thực hiện. Đó là, đảm bảo tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ thống kê; tính khách quan và công bằng; tính minh bạch; tính bảo mật và an ninh thông tin thống kê; cam kết chất lượng thống kê; đầy đủ các nguồn lực cho hoạt động thống kê.

Để quản lý các quy trình thống kê, bộ tiêu chí đề cập tới 4 nội dung phải đảm bảo thực hiện. Đó là, đảm bảo tính đúng đắn của phương pháp luận thống kê; sự phù hợp giữa hiệu quả và chi phí; tính đúng đắn của việc thực hiện các chương trình thống kê; quản lý gánh nặng trả lời của chủ thể cung cấp thông tin cho hệ thống Thống kê nhà nước.

Về quản lý các kết quả đầu ra thống kê, bộ tiêu chí đề cập tới 6 nội dung phải đảm bảo thực hiện. Đó là, đảm bảo tính phù hợp của thông tin thống kê; tính chính xác và độ tin cậy; tính kịp thời và đúng hạn; tính dễ tiếp cận, rõ ràng và dễ hiểu; tính chặt chẽ và khả năng so sánh của thông tin thống kê; quản lý dữ liệu đặc tả thống kê…

Việc ban hành, áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê để giải quyết các hạn chế, bất cập về chất lượng thống kê nhà nước hiện nay. Cùng đó, làm cơ sở cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng thống kê nhà nước. Ngoài ra, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê với một số mục đích liên quan tới các chủ thể cung cấp, sản xuất và công bố, quản lý và sử dụng thông tin thống kê.

Thưa ông, những quy trình mới trong bộ tiêu chí này có khác gì so với những tiêu chí trước đây. Sự phù hợp và tính chính xác của việc thực hiện các chương trình thống kê sẽ như thế nào?

Chất lượng thông tin thống kê nhà nước luôn được ngành thống kê quan tâm hàng đầu. Trước đây, chất lượng thông tin thống kê được đánh giá trên 6 tiêu thức gồm: tính phù hợp, tính đầy đủ, tính chính xác; tính kịp thời; khả năng tiếp cận; khả năng giải thích.

Đến nay, Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước được ban hành và áp dụng không chỉ cụ thể hóa 6 tiêu thức chất lượng nói trên, mà còn bổ sung một số tiêu chí về quy trình sản xuất thống kê, môi trường thể chế cho các hoạt động thống kê, nhằm phản ánh một cách toàn diện các nét đặc trưng liên quan tới chất lượng thống kê nhà nước.

Quá trình quản lý chất lượng thống kê từ 6 tiêu thức đến Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước như hiện nay là quá trình phát triển liên tục, đáp ứng đòi hỏi khách quan, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế trong từng giai đoạn.

Bên cạnh đó, việc ban hành và áp dụng bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước không chỉ nhằm khắc phục hạn chế, bất cập về chất lượng thống kê hiện nay mà còn làm cơ sở cho việc cải thiện, nâng cao chất lượng thống kê nhà nước. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê. Do đó, kết quả thực hiện các chương trình thống kê càng phù hợp, chính xác và hiệu quả hơn.

Theo bộ tiêu chí này, đối với các kết quả đầu ra của số liệu thống kê, người sử dụng thông tin thống kê sẽ được sử dụng như thế nào thưa ông?

Trước hết, người sử dụng thông tin thống kê sử dụng Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước để tự nhận biết, đánh giá, kiểm chứng mức độ tin cậy của thông tin thống kê nhà nước đã công bố và phổ biến, đồng thời đưa ra quyết định sử dụng thông tin thống kê.

Bên cạnh đó, người sử dụng thông tin thống kê có căn cứ để tin tưởng và sử dụng hiệu quả thông tin do hệ thống tổ chức thống kê nhà nước sản xuất, công bố. Đặc biệt, đối với các nhà quản lý, phân tích, hoạch định chính sách sử dụng thông tin thống kê tốt hơn sẽ tạo ra các chính sách tốt hơn, hiệu quả hơn.

Là cơ quan cung cấp thông tin để Chính phủ hoạch định chính sách, Tổng cục Thống kê có những kiến nghị và đề xuất gì trong việc thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030?

Đến thời điểm hiện nay, Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất quy định các nội dung về chất lượng thống kê nhà nước.

Để triển khai thực hiện thành công Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo các bộ ngành củng cố, tăng cường năng lực thống kê của bộ, ngành và địa phương. Bên cạnh đó, bố trí công chức trong biên chế hiện có để thực hiện tốt hoạt động thống kê của bộ, ngành, đặc biệt triển khai thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước

Đồng thời, triển khai rà soát và hoàn thiện các tiêu chuẩn thống kê thuộc lĩnh vực bộ, ngành phụ trách phù hợp với các tiêu chuẩn thống kê quốc tế; hệ thống hóa toàn bộ các hoạt động thống kê của bộ, ngành, địa phương theo các yêu cầu của Bộ tiêu chí chất lượng thống kê nhà nước đến năm 2030 để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng thống kê của bộ, ngành, địa phương vào năm 2020.

Bên cạnh các nội dung nói trên, Tổng cục Thống kê sẽ khẩn trương biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí chất lượng thống kê; thiết kế bộ công cụ thu thập thông tin phụ vụ đánh giá chất lượng thống kê; xây dựng quy trình, phương pháp đánh giá chất lượng thống kê và đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng đánh giá chất lượng thống kê; tổ chức đánh giá độc lập chất lượng thống kê của bộ, ngành, địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Thúy Hiền (TTXVN)
Xây dựng bộ tiêu chí khu công nghiệp sinh thái: Không nên cầu toàn
Xây dựng bộ tiêu chí khu công nghiệp sinh thái: Không nên cầu toàn

Sau 3 năm triển khai, các mô hình thí điểm khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam (thuộc các tỉnh thành Ninh Bình, Đà Nẵng và Cần Thơ) đã có những kết quả ban đầu rất khả quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN