Bác sĩ Vũ Hán bị hành hung, làm quá tải và thiếu thiết bị bảo hộ

Các bác sĩ, y tá tại Vũ Hán đang mạo hiểm mạng sống của bản thân khi đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong cuộc chiến chống virus Corona. Họ thậm chí phải đóng bỉm và uống bớt nước để đỡ mất thời gian đi vệ sinh trong ca trực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế mệt lả trên ghế ngay cạnh bệnh nhân tại bệnh viện ở Vũ Hán hôm 23/1. Ảnh: AP 

Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ nhằm đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới, trong đó có việc phong tỏa tỉnh Hồ Bắc với 60 triệu dân. Tuy nhiên tại các bệnh viện, mặt trận tiền tuyến của cuộc chiến đấu này, các y bác sĩ cho biết họ đang thiếu những thiết bị cơ bản và đối mặt với mối đe dọa bị bệnh nhân hoảng loạn và quá khích hành hung.

Một bác sĩ ở Vũ Hán cho biết anh đã không về nhà suốt 2 tuần, thậm chí trong một ca trực đêm gần đây, anh đã phải phục vụ 150 bệnh nhân xếp hàng trước phòng khám. “Tất cả các bệnh nhân đều lo sợ. Một số người trở nên tuyệt vọng sau khi chờ hàng tiếng đồng hồ trong giá lạnh”, bác sĩ trên phát biểu với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng.

“Tôi nghe thấy một người đang xếp hàng nói anh ta đã chờ lâu đến mức chỉ muốn cầm dao đâm chúng tôi. Tôi rất lo. Giết vài người chúng tôi sẽ không giảm được tình trạng xếp hàng chờ đợi, phải vậy không?”, vị bác sĩ tỏ ra lo ngại.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân chờ đợi tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AP

Nỗi lo sợ bạo lực của vị bác sĩ là có thể hiểu được. Hôm 28/1, hai bác sĩ tại Bệnh viện Số 4 Vũ Hán đã bị người nhà bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới hành hung. Theo tờ Thanh niên Bắc Kinh, quần áo bảo hộ của một bác sĩ đã bị rách khi anh ở trong khu vực lây nhiễm.

“Tâm lý mọi người căng thẳng khi bệnh viện chạy công suất tối đa kể từ đầu tháng 1. Nhiều bệnh nhân không có giường. Nhưng chúng tôi có thể làm gì được đây?”, một bác sĩ đề nghị giấu tên nói.

“Các bác sĩ, y tá đang làm việc không ngừng, kể cả ca đêm cũng chật cứng bệnh nhân. Chúng tôi bị vây quanh là những bệnh nhân ho sặc sụa suốt cả đêm dài”.

Video bệnh nhân sốt cao ho thẳng vào mặt nhân viên y tế khi không vừa ý (Nguồn: SCMP)

Trong thông báo được cập nhật tối 1/2, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc cũng khẳng định số lượng tăng nhanh của các ca nhiễm mới tại tỉnh này, với 1.921 trường hợp mắc mới. Như vậy, đến nay toàn tỉnh Hồ Bắc có 9.074 ca nhiễm bệnh, 294 người tử vong và 215 người đã được chữa khỏi.

Trong khi đó, theo thống kê của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến hết ngày 1/2, nước này có tổng cộng 14.411 ca nhiễm bệnh, tăng 2.590 người so với trước đó một ngày, trong đó 304 người đã tử vong. Số ca nghi nghiễm mới cũng tăng 1.556 lên con số 19.544 người. Tổng số bệnh nhân đã được điều trị khỏi cũng tăng thêm 86 người, lên 328.

Số ca lây nhiễm đã vượt xa tổng số ca mắc bệnh SARS trong cả mùa dịch năm 2002-2003.

Bắc Kinh cho biết đã huy động trên 6.000 nhân viên y tế tới Hồ Bắc, với thủ phủ là Vũ Hán, để trợ giúp các đồng nghiệp đang quá tải. Các lực lượng không quân, hải quân và lục quân Trung Quốc cũng đều cử bác sĩ tới hỗ trợ 3 bệnh viện chính ở Vũ Hán.

Tuy vậy, sau khi nửa triệu nhân viên y tế ở Hồ Bắc phải hủy bỏ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi 60% số ca lây nhiễm và 95% ca tử vong do virus Corona chủng mới là tại tỉnh Hồ Bắc, thì các bệnh viện ở đây đang bị đẩy vào điểm tới hạn.

"Các bác sĩ quân y đang cung cấp hỗ trợ quan trọng nhưng bệnh viện ở Hồ Bắc vẫn thiếu nhân sự trầm trọng", một nhân viên y tế phát biểu giấu tên.

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế ngủ gục trên bàn làm việc do làm quá tải trong 15-16 tiếng mỗi ngày.

Xem video nhân viên y tế ngã gục trong ca làm việc tại bệnh viện ở Vũ Hán (Nguồn: Daily Mail)

“Quá nhiều bệnh nhân cần điều trị, quá nhiều xét nghiệm cần tiến hành, mọi người đều bận rộn. Nhưng khi nhóm chúng tôi ở đây, ít nhất các đồng nghiệp Vũ Hán cũng có thể có thêm 1 hoặc 2 tiếng để ngủ”, một bác sĩ được tăng cường cho biết.

Tân Hoa xã trước đó đưa tin các nhóm nhân viên y tế từ Đại học Quân y ở Trùng Khánh đang điều trị cho 72 bệnh nhân được xác nhận nhiễm virus Corona chủng mới tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán.

Các nhân viên y tế khác trong thành phố cho biết nguồn cung cấp các dụng cụ bảo hộ cần thiết đã được cải thiện nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng được nhu cầu.

Một bác sĩ ở bệnh viện Tongji, yêu cầu giấu tên, cho biết anh đã mặc duy nhất một bộ đồ bảo hộ trong cả ca trực 10 tiếng do tình trạng thiếu thốn.

“Bộ đồ bảo hộ cần phải thay mỗi khi chúng tôi ra khỏi một khu vực lây nhiễm”, vị bác sĩ cho biết. “Tôi đã phải đóng cả bỉm người lớn và uống ít nước trong ca làm, để đỡ phải đi vệ sinh. Tình trạng này cũng phổ biến trong các đồng nghiệp của tôi”.

Nhật báo Yangtze cho biết, thành phố đã nhận 10.000 bao quần áo bảo hộ, 800.000 khẩu trang N95, 5 triệu khẩu trang dùng một lần và 4.200 kính bảo hộ. “Nguồn cung cấp cơ bản đủ. Tình trạng thiếu đã được xử lý”, tờ báo dẫn nguồn cho biết.

Tuy nhiên, bác sĩ tại bệnh viện Tongji cho hay vẫn còn vấn đề về chất lượng của các thiết bị bảo hộ được cung cấp. “Chúng tôi được biết một số thiết bị chất lượng kém đã bục vỡ”, bác sĩ này nói. “Tôi không chắc ai đã đưa những thiết bị này đến bệnh viện, nhưng chúng có thể dẫn đến cái chết của y bác sĩ”.

Chú thích ảnh
Y tá làm việc tại khoa Chăm sóc đặc biệt bệnh viện Zhongnan, Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa xã
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiếp cận một thi thể người chết nghi do virus Corona trên hè phố Vũ Hán. Ảnh: AFP/Getty Images

Hôm 30/1, một bác sĩ tại khoa phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán cho biết trên trang Weibo rằng bệnh viện của anh rất cần các thiết bị y tế bao gồm kính bảo hộ, bộ đồ bảo hộ dùng một lần, khẩu trang N95.

“Kho thiết bị của chúng tôi gần như đã hết! Xin hãy chuyển tiếp thông điệp này, xin lỗi vì đã luôn làm phiền mọi người!”, câu post của vị bác sĩ viết.

Bài đăng cũng bao gồm lời kêu gọi quyên góp tài chính, chi tiết tài khoản ngân hàng và số điện thoại của người nên liên hệ.

Một trong những người làm đầu mối liên lạc, một nhân viên y tế tên là Cheng, cho biết những bộ đồ bảo hộ sử dụng một lần đang được cần đến nhiều nhất. "Nếu không có bộ đồ bảo hộ, các bác sĩ không thể tiếp xúc với bệnh nhân hoặc điều trị cho họ, vì vậy tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến công việc của chúng tôi", ông Cheng nói.

“Chúng tôi đang sử dụng một số lượng lớn các bộ quần áo này mỗi ngày. Ban đầu, sau đề nghị giúp đỡ đầu tiên, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đóng góp, nhưng chúng tôi nhận thấy rằng nhiều thiết bị được quyên góp không phù hợp với hướng dẫn y tế và không thể sử dụng”.

Chú thích ảnh

Cheng nói rằng các bác sĩ tại Bệnh viện Công đoàn Vũ Hán đang nỗ lực khắc phục khó khăn. “Nói chung, công việc của chúng tôi là phục vụ xã hội”, Cheng cho biết và nói thêm rằng anh cũng làm việc 15 - 16 tiếng một ngày.

Một bác sĩ khác cho biết ông và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng các nhân viên quản lý và điều hành đã lấy nhiều mặt nạ từ kho vật tư của bệnh viện hơn nhiều so với các nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. "Thật bực mình. Tiền tuyến thiếu nguồn cung cấp nhưng các ông sếp lại đang lấy đi rất nhiều. Thử hỏi chúng tôi có được ưu tiên hơn không”.

“Các lãnh đạo tới kiểm tra bệnh viện của chúng tôi đang đeo mặt nạ N95 tốt nhất, trong khi nhiều bác sĩ và y tá tuyến đầu chỉ có những khẩu trang thường. Tôi có thể nói gì khác đây?”, vị bác sĩ bức xúc.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: 'Bão' virus Corona càn quét Trung Quốc; Brexit chính thức có hiệu lực
Thế giới tuần qua: 'Bão' virus Corona càn quét Trung Quốc; Brexit chính thức có hiệu lực

Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung chạy đua với thời gian để kìm hãm đại dịch viêm phổi do chủng virus Corona mới gây ra và Anh chính thức rời Liên minh châu Âu là hai sự kiện quốc tế đáng chú trong tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN