Trước đó, tờ Jerusalem Post đăng tải một bài viết dẫn lời Thủ tướng Netanyahu nói rằng "người Ba Lan đã hợp tác với người Đức" trong thảm họa tàn sát người Do Thái.
Thông tin này đã thổi bùng những tranh cãi tại Ba Lan và thậm chí đe dọa hủy hoại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào tuần tới tại Israel giữa Thủ tướng Netanyahu và lãnh đạo 4 nước đối tác Trung Âu.
Ba Lan từ lâu luôn nỗ lực khẳng định rằng nước này, vốn bị phát xít Đức chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, không liên quan tới các cuộc tàn sát người Do Thái.
Trước khi bị triệu tập, Đại sứ Israel Anna Azari đã đưa ra tuyên bố bác bỏ những thông tin trên. Ông Azari nêu rõ: "Tôi đã có mặt vào lúc Thủ tướng phát biểu và ông ấy không nói rằng đất nước Ba Lan cộng tác với phát xít Đức, ông ấy chỉ nói rằng không có ai bị kiện khi nói về những cá nhân là công dân Ba Lan đã làm việc với chúng (phát xít Đức)".
Ông Azari cũng cho biết Thủ tướng Netanyahu "trông đợi cuộc gặp với Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki vào tuần tới".
Trước đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thậm chí đã đề nghị cân nhắc lại việc tổ chức hội nghị Nhóm Visegrad gồm 4 nước Trung Âu là Slovakia, Ba Lan, Hungary và Séc với Israel vào tuần tới. Tuy nhiên, một người phát ngôn của Tổng thống Duda sau đó khẳng định cuộc gặp sẽ diễn ra đúng kế hoạch.
Tranh cãi giữa Ba Lan và Israel xuất hiện hồi năm ngoái xung quanh một đạo luật của Ba Lan, trong đó quy định việc cáo buộc nước này có liên quan tới tội ác của phát xít Đức là bất hợp pháp. Sau khi nổ ra các cuộc biểu tình tại Israel và Mỹ, Ba Lan đã sửa đổi luật trên và xóa bỏ điều khoản phạt hay tống giam.
Theo thống kê, hơn 6 triệu công dân Ba Lan, trong đó có 3 triệu người Do Thái, đã bị phát xít Đức giết hại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.