Theo dự luật được chính phủ đệ trình lên Quốc hội ngày 21/11, các nền tảng mạng xã hội như X, Tiktok, Facebook hay Instagram được yêu cầu bảo mật chặt chẽ và xóa mọi thông tin xác minh về độ tuổi mà các nền tảng này thu thập được.
Bộ trưởng Truyền thông Australia Michelle Rowland nhấn mạnh rằng mục tiêu của dự luật là bảo vệ sự an toàn và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Bà cho biết trách nhiệm thuộc về các nền tảng mạng xã hội chứ không phải cha mẹ hay trẻ em.
Tuy nhiên, bà Rowland cũng lưu ý một số công ty như YouTube sẽ được miễn quy định trên vì thanh thiếu niên có thể cần sử dụng cho mục đích học tập hoặc các lý do khác. Ngoài ra, nền tảng nhắn tin WhatsApp và một số trò chơi trực tuyến khác cũng được miễn.
Nếu được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ có thời hạn 1 năm để tìm cách triển khai và thực hiện quy định trên. Các công ty truyền thông xã hội cho biết họ sẽ tuân thủ quy định mới, song cảnh báo chính phủ nên tránh hành động quá nhanh mà không có sự tham vấn phù hợp.
Một số nhà phân tích cũng bày tỏ nghi ngờ tính khả thi của dự luật. Chuyên gia Katie Maskiell tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Australia đánh giá dự luật được đề xuất không phải là “giải pháp toàn diện” trong việc bảo vệ trẻ em vì văn kiện này có nguy cơ khiến giới trẻ chuyển sang sử dụng “những không gian trực tuyến bí mật và không được quản lý”. Bà này kêu gọi cần phải hành động nhiều hơn nữa trong vấn đề này.
Từng được ca ngợi là phương tiện để duy trì kết nối và cập nhật thông tin nhanh chóng, các nền tảng mạng xã hội đã bị hoen ố hình ảnh vì vấn nạn bắt nạt trên mạng, việc lan truyền nội dung bất hợp pháp và các khiếu nại can thiệp bầu cử. Một số quốc gia đã thắt chặt quyền truy cập của trẻ em vào các nền tảng mạng xã hội. Điển hình như Tây Ban Nha đã thông qua một dự luật vào tháng 6, theo đó trẻ dưới 16 tuổi bị cấm truy cập vào mạng xã hội. Ngoài ra, tại bang Florida của Mỹ, trẻ dưới 14 tuổi cũng sẽ bị cấm mở tài khoản mạng xã hội theo luật mới dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2025.