Ngày 14/12, Bộ trưởng Ngân khố và Các dịch vụ Tài chính Australia Kelly O'Dwyer cho biết chính phủ sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để kiểm tra nền kinh tế tiền mặt của nước này với giao dịch ước tính lên tới 21 tỷ AUD mỗi năm, tương đương 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Bà Kelly O'Dwyer mô tả kinh tế tiền mặt như “nền kinh tế ngầm” với nhiều khoản thanh toán lớn bằng tiền mặt không bị đánh thuế, trong đó có cả những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như trường học hay bệnh viện.
Tiền mệnh giá 100 $ của Australia. |
Theo bà Kelly O'Dwyer, khi công bố báo cáo Triển vọng kinh tế và tài chính giữa năm tài chính vào tuần tới, Chính phủ Australia sẽ công bố chi tiết việc thành lập lực lượng đặc nhiệm do cựu chủ tịch công ty tài chính toàn cầu KPMG Michael Andrew đứng đầu và có nhiệm vụ kiểm soát nền kinh tế tiền mặt, thị trường chợ đen. Bà cho biết: "Mục đích chính của chính phủ là trấn áp kinh tế ngầm của các nhóm tội phạm và thị trường chợ đen để bảo đảm dẹp bỏ các lỗ hổng và bất cập trong nền kinh tế”.
Mặc dù việc sử dụng thẻ ngân hàng và các hình thức thanh toán điện tử ngày càng phổ biến ở Australia, song tiền mặt mệnh giá $100 hiện vẫn được lưu hành nhiều gấp 3 lần so với tiền mệnh giá $5. Hiện tại có 30 tỷ AUD tiền mệnh giá $100 lưu hành trên thị trường. Bà Kelly O'Dwyer nói: "Không có gì sai khi dùng tiền mặt, vấn đề là nhiều người không khai báo và cố tình trốn thuế khi sở hữu nguồn lợi tức này". Bà không loại trừ việc loại bỏ tiền giấy mệnh giá $100 trong thời gian tới, song nhấn mạnh rằng việc này còn phải dựa vào tham vấn và khuyến nghị của nhóm chuyên gia trong lĩnh vực tiền tệ và tài chính.
Lực lượng đặc nhiệm nói trên sẽ học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Pháp, nơi chính phủ đã cấm thanh toán bằng tiền mặt với các giao dịch trên 1000 euro, để phối hợp với Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương) xem xét, đánh giá, đưa ra khuyến nghị quy định mức thanh toán tối đa đối với giao dịch bằng tiền mặt cũng như tương lai tờ tiền mệnh giá $100.
Thông báo của Bộ trưởng Kelly O'Dwyer đưa ra sau một báo cáo mới công bố của ngân hàng đầu tư UBS cho rằng Australia nên bỏ tiền giấy mệnh giá $100 để tăng doanh thu thuế, giảm các giao dịch ngầm, các hoạt động tội phạm, nạn rửa tiền hay gian lận phúc lợi khi nhiều người nhận trợ cấp của chính phủ trong lúc vẫn sở hữu lượng lớn tiền mặt.