Australia nỗ lực đối phó với làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron

Ngày 10/1, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố nước này cần phải vượt qua được làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt mốc 1 triệu ca, với hơn một nửa số ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ riêng trong tuần qua.

Chú thích ảnh
 Các phương tiện xếp hàng tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Sydney, Australia, ngày 9/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và kiểm soát biên giới chặt chẽ đã phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn COVID-19 trong giai đoạn đầu của đại dịch tại Australia. Tuy nhiên, hiện nay nước này đang phải chật vật ứng phó với số ca nhiễm tăng mạnh dù tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã cao hơn. Số người nhập viện ngày càng tăng đã buộc nhà chức trách Australia phải khôi phục các biện pháp hạn chế ở một số bang, trong khi các doanh nghiệp vật lộn với tình trạng thiếu nhân viên vì mắc bệnh hoặc thuộc diện phải cách ly.

Với sức ép ngày càng lớn trong năm bầu cử, Thủ tướng Morrison đã lên kế hoạch thay đổi các quy định cách ly để cho phép các lao động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm có thể tiếp tục làm việc sau khi tiếp xúc gần với các ca nhiễm không triệu chứng. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Canberra, Thủ tướng Morrison nhấn mạnh Australia chỉ có hai lựa chọn, đó là hoặc chấp nhận thích ứng hoặc phong tỏa trở lại và Australia đang nỗ lực sống chung với dịch bệnh. Theo ông, biến thể Omicron là một trở ngại mà Australia cần phải vượt qua. Dự kiến tại cuộc họp nội các diễn ra trong tuần này, Thủ tướng Morrison sẽ công bố các đề xuất với lãnh đạo các bang, đồng thời lên kế hoạch mở rộng các thay đổi trong lĩnh vực vận tải và các lĩnh vực quan trọng khác. Ông nhấn mạnh sẽ triển khai các biện pháp này ngay cả khi Australia ghi nhận số ca nhiễm ở mức nghiêm trọng và hệ thống y tế đang phải căng mình đối phó.

Australia hiện có hơn 3.500 người đang phải nhập viện do COVID-19, cao hơn nhiều so với mức 2.000 người cách đây một tuần. Chuỗi siêu thị Woolworths, doanh nghiệp có số nhân viên phải cách ly chiếm tới 20% lực lượng lao động, nhận định các vấn đề về nguồn cung có thể kéo dài thêm 3 tuần nữa. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Brad Banducci khẳng định hệ thống siêu thị này vẫn có đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến ngày 10/1, Australia ghi nhận tổng cộng hơn 1,04 triệu ca mắc và 2.389 ca tử vong do COVID-19. Giới chức y tế nước này cảnh báo con số chỉ hơn 67.000 ca nhiễm mới trong ngày 10/1 có thể chưa phản ánh đúng tình hình dịch, do báo cáo từ một số bang không tính đến những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhanh khi xét nghiệm kháng nguyên tại nhà. 

Tỷ lệ những người trên 16 tuổi tại Australia đã tiêm phòng đủ hai mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19 là 92%. Kể từ ngày 10/1, Australia đã bắt đầu triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 5-11 bằng vaccine do hãng Pfizer sản xuất.

Phong Hà (TTXVN)
Chuyên gia Australia chia sẻ kinh nghiệm tự điều trị COVID-19 tại nhà
Chuyên gia Australia chia sẻ kinh nghiệm tự điều trị COVID-19 tại nhà

Tờ Neos Kosmos ở Australia mới đây đăng bài viết của Tiến sĩ Magdalena Simonis, thành viên Ủy ban chuyên gia tại Đại học Bác sĩ đa khoa Hoàng gia Australia (RACGP), chia sẻ kinh nghiệm tự cách ly và điều trị COVID-19 tại nhà đối với những trường hợp có triệu chứng nhẹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN