Australia khuyến khích người ngoài 50 tuổi đi tiêm chủng

Ngày 21/5, Chính phủ Australia đã kêu gọi những người ngoài 50 tuổi đi tiêm chủng trong bối cảnh gia tăng tâm lý do dự tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Scott Morrison nêu rõ: "Tôi khuyến khích những người ngoài 50 tuổi đi tiêm chủng (vaccine ngừa COVID-19), đặc biệt là những người ngoài 70 tuổi". Như để xua tan nỗi lo ngại của công chúng về nguy cơ vaccine của hãng AstraZeneca gây biến chứng rối loạn đông máu, ông Morrison cho biết mẹ ruột và mẹ vợ của ông đã tiêm vaccine và sức khỏe của họ vẫn ổn định.

Trong khi đó, ông Peter Doherty, người giành giải Nobel Y học hồi năm 1996, cũng cho biết sẽ tiêm mũi thứ hai vaccine của AstraZeneca.

Australia là một trong số ít những nước trên thế giới "xóa sổ" các ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, song chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại nước này lại diễn ra chậm chạp. Sau những lần giao hàng vaccine chậm trễ, hiện người cao tuổi Australia có xu hướng quan ngại về những tác dụng phụ của vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị tiếp tục sử dụng vaccine của AstraZeneca, lập luận rằng những lợi ích mà chế phẩm này mang lại còn lớn hơn những nguy cơ gây ra hiện tượng đông máu hiếm gặp.

Hồi tháng 4, Australia đã cập nhật khuyến cáo việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Theo đó, vaccine này nên dùng cho người trên 50 tuổi, còn những người dưới 50 tuổi nên sử dụng vaccine của Pfizer. Australia cũng đang thảo luận với hãng dược Pfizer (Mỹ) để đặt mua thêm vaccine sau khi nước này đã có hợp đồng mua 20 triệu liều vaccine.

* Ngày 20/5, Cộng hòa (CH) Trung Phi, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca mắc gia tăng kể từ đầu năm nay.

Bộ Y tế nước này cho biết chiến dịch tiêm chủng đã bắt đầu ở thủ đô Bangui, nơi tiếp nhận 60.000 liều vaccine của AstraZeneca theo chương trình tiếp cận vaccine công bằng COVAX nhằm hỗ trợ các nước nghèo. Những người được ưu tiên tiêm chủng đợt đầu là các nhân viên y tế, người cao tuổi và có bệnh lý nền.

Dù chỉ có hơn 7.000 ca mắc và 96 ca tử vong do COVID-19, song số ca mắc tại CH Trung Phi trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng gấp 20 lần so với quý IV/2020. Tổng thống Faustin Archange Touadera cảnh báo ngoài các khu đô thị, dịch bệnh đang lan sâu vào các ngôi làng ở vùng nông thôn. Theo ông Touadera, các nỗ lực chống dịch đã gặp trở ngại do người dân có tâm lý gần như phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của căn bệnh này cùng những thông tin sai lệch được phát tán rộng rãi. Theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Grounds Trust, 65% người được phỏng vấn ở CH Trung Phi "không tin dịch COVID-19 tồn tại". Ngoài ra, những lo ngại về an ninh và bạo lực gia tăng cũng gây cản trở công tác chống dịch.

Cùng ngày, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo đại dịch COVID-19 đang làm trầm trọng thêm nạn đói ở CH Trung Phi. Chương trình Lương thực thế giới và Tổ chức Lương Nông LHQ nhận định hơn 2,2 triệu người, phần lớn ở các vùng nông thôn, có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 8 tới.

Phương Oanh (TTXVN)
Chuyên gia y tế Australia cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới nếu không tiêm chủng đại trà
Chuyên gia y tế Australia cảnh báo làn sóng lây nhiễm mới nếu không tiêm chủng đại trà

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Australia khuyến cáo cần phải đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 70% dân số để tránh làn sóng lây nhiễm mới của dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN