Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Morrison kêu gọi người dân tránh các cuộc tụ tập với sự tham dự của hơn 500 người ngoại trừ trường học, sân bay hay trong các phương tiện công cộng. Ông cho biết số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Australia đang ngày càng tăng, điều này đồng nghĩa với việc chính phủ sẽ sớm cấm việc tổ chức các sự kiện có sự tham gia của hàng trăm người.
Cho đến nay, Australia đã xác nhận 184 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 3 ca tử vong do COVID-19. Giới chức y tế cảnh báo hàng triệu người Australia sẽ nhiễm virus trong 6 tháng tới, với 20% dân số sẽ bị ảnh hưởng trong đợt đầu tiên. Kerry Chant, quan chức y tế hàng đầu bang New South Wales (NSW) dự báo khoảng 5% trong tổng số 7 triệu dân của bang này sẽ phải nhập viện điều trị do dịch COVID-19.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, để đối phó với sự lây lan của COVID-9, Chính phủ Australia đã ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ 4 quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran và Italy. Mới đây, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew đã cảnh báo khả năng đóng cửa tất cả các trường học trên toàn bang để ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan cho rằng việc đóng cửa trường học trên quy mô lớn hiện chưa cần thiết, nhưng thừa nhận việc ngăn chặn virus đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cho đến nay, đã có 5 trường học ở Australia đã phải đóng cửa trong vài ngày sau khi các học sinh và nhân viên cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trong khi đó, Rachel Wilson, Phó Giáo sư Giáo dục của Đại học Sydney, và William Mude, Giảng viên y tế công cộng của Đại học Central Queesland, Australia, đã nêu ra một số biện pháp mà các trường học cần nhanh chóng áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 như cải thiện vệ sinh cá nhân, giảm thiểu các hoạt động có tiếp xúc trực tiếp và thay đổi thời khóa biểu. Một số biện pháp khác bao gồm yêu cầu học sinh, sinh viên mới đi du lịch về từ bất kỳ nước nào đều phải tự cách ly trong ít nhất hai tuần, tổ chức giáo dục trực tuyến, đảm bảo hỗ trợ cần thiết cho các học sinh, sinh viên bị thiệt thòi về kinh tế-xã hội và dễ bị ảnh hưởng.
Cùng ngày, Bộ Y tế Singapore thông báo nước này sẽ từ chối nhập cảnh hoặc quá cảnh cho du khách tới từ Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Đức trong 14 ngày qua. Quốc gia Đông Nam Á này cũng khuyến cáo người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới 4 quốc gia trên, đồng thời ngừng việc cho du thuyền cập cảng. Trước đó, Singapore cũng đã áp dụng lệnh cấm tương tự đối với du khách tới từ Iran, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong khi đó, nhằm phòng ngừa virus lây lan, Chính phủ Nepal đã tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh đối với công dân tất cả các nước cho đến cuối tháng 4, đồng thời tạm đình chỉ các chuyến dã ngoại leo núi, bao gồm cả núi Everest.
Người phát ngôn Bộ Y tế và Dân số Nepal Bikas Devkota nêu rõ việc ngừng cấp thị thực nhập cảnh sẽ có hiệu lực từ ngày 14/3. Theo quyết định do Ủy ban điều phối cấp cao Nepal đưa ra tối 12/3, những người nước ngoài đến Nepal sau ngày 14/3 sẽ phải tự cách ly trong 14 ngày. Quyết định này áp dụng cả với những người giữ hộ chiếu ngoại giao và công vụ đến Nepal lần đầu, hay trở về từ nước ngoài.
Trước đó, Nepal chỉ ngừng cấp thị thực nhập cảnh cho công dân của 8 nước gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp - những nơi ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19. Cho đến nay, Nepal mới chỉ ghi nhận 1 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trường hợp này đã bình phục.