Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham tuyên bố mức thuế 80% mà Trung Quốc áp đặt đối với các sản phẩm lúa mạch nhập khẩu từ Australia là "thiếu cơ sở" và "không được củng cố bằng các sự thật và bằng chứng".
Ông cho biết Australia đã "nhiều lần" bày tỏ quan ngại này với Trung Quốc song những nỗ lực để đạt được một giải pháp đều không có kết quả. Do đó, mặc dù thừa nhận quy trình giải quyết tranh chấp của WTO có thể mất nhiều năm, song quan chức này nhấn mạnh việc khiếu nại lên WTO là cách phù hợp nhất để giải quyết tranh chấp này.
Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo áp thuế nhập khẩu tổng cộng 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch của Australia, gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ giá 6,9%, áp dụng từ ngày 19/5 và có hiệu lực trong vòng 5 năm. Australia đã bày tỏ "thất vọng", đồng thời tuyên bố Canberra sẽ "kiên quyết bác bỏ lập luận cho rằng nông dân trồng lúa mạch của Australia được trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào".
Australia hiện là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, xuất khẩu khoảng 1,5-2 tỷ AUD (800 triệu-1,3 tỷ USD) mỗi năm, chiếm hơn một nửa xuất khẩu của Australia. Lúa mạch xuất khẩu được sử dụng cho sản xuất bia và làm thức ăn chăn nuôi.
Đây là lần đầu tiên Australia đưa tranh chấp với Trung Quốc lên WTO. Quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã gia tăng căng thẳng trong năm nay. Ít nhất 13 ngành của Australia đã phải chịu thuế hoặc một số hình thức gián đoạn, gồm lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, du lịch, trường đại học, rượu, lúa mì và len.
Ước tính xuất khẩu nông sản của Australia đã bị thiệt hại 3,5 tỷ AUD (2,45 tỷ USD) trong năm nay do căng thẳng thương mại với Trung Quốc leo thang và tình trạng đóng cửa biên giới trên toàn cầu để ngăn đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.