Hiện trường vụ máy bay MH17 của Malaysia rơi. Ảnh: Sputnik |
Theo BCC và mạng tin Sputnik, hai nước nói trên đã chính thức cáo buộc Nga phải chịu trách nhiệm trong vụ bắn rơi máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia Airlines trên không phận miền Đông Ukraine khiến 298 người thiệt mạng.
Động thái này diễn ra 1 ngày sau khi nhóm điều tra chung gồm đại diện từ các quốc gia Australia, Malaysia, Ukraine, Hà Lan và Bỉ kết luận rằng tên lửa bắn rơi máy bay MH17 ngày 17/7/2014 thuộc lực lượng vũ trang Nga. Kết quả điều tra cho rằng tên lửa được phóng đi từ khu vực do lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine kiểm soát.
Theo kết quả điều tra của nhóm này, tên lửa BUK bắn rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 thuộc sở hữu của Lữ đoàn tên lửa phòng không 53 của Quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc lãnh thổ Nga). Các điều tra viên nói rằng kết luận này được đưa ra dựa trên phân tích hình ảnh video.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đưa tin từ tháng 10/2015, Ủy ban An toàn Hà Lan tuyên bố rằng chiếc MH17 bị trúng tên lửa Buk sản xuất tại Nga và máy bay rơi tại khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát ở Ukraine.
Tuy nhiên, Nga cương quyết bác bỏ những cáo buộc của nhóm điều tra này. Bộ Quốc phòng Nga ngày 24/5 tuyên bố đã cung cấp bằng chứng chứng minh chính tên lửa Buk của Ukraine mới là "thủ phạm" bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines.
Theo đài Sputnik, trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: "Bộ Quốc phòng Nga... chính thức bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng quân đội Nga có liên quan tới vụ việc và đã đưa bằng chứng xác thực cho nhóm điều tra Hà Lan. Không có bất kỳ hệ thống phòng không nào của lực lượng vũ trang Liên bang Nga vượt qua biên giới Nga-Ukraine".
“Trong khuôn khổ hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật Hà Lan, phía Nga đã cung cấp bằng chứng toàn diện, bao gồm cả các cuộc khám xét hiện trường rõ ràng cho thấy sự dính líu của hệ thống tên lửa Buk Ukraine trong vụ việc bắn rơi máy bay Boeing chở khách trên bầu trời Ukraine”, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.
Ngày 25/5, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, theo qui định của nước này, mọi tên lửa BUK bắt buộc phải loại khỏi phiên chế sau 25 năm phục vụ. Căn cứ theo số series quả tên lửa mà nhóm điều tra cho là thủ phạm bắn rơi MH17, quả tên lửa này được sản xuất từ năm 1986. Do đó, quả tên lửa bắn hạ máy bay MH17 chắc chắn không thuộc phiên chế quân đội Nga.