Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc trì hoãn tiêm mũi thứ hai 10 tháng giúp vaccine AstraZeneca có được khả năng bảo vệ cơ thể tốt hơn trước COVID-19.
Cụ thể, người được tiêm sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn, phản ứng miễn dịch tốt hơn với thời hạn 45 tuần giữa hai liều tiêm.
Đây được xem là thông tin đáng khích lệ với các nước đang phát triển vốn đang gặp khó khăn trong chiến dịch tiêm chủng, không có được nguồn cung vaccine dù đã ký được các hợp đồng mua bán, nhập khẩu với các công ty dược.
“Những nước thiếu hụt nguồn cung vaccine, lo ngại về khả năng mũi tiêm thứ hai bị trì hoãn có thể yên tâm hơn về kết quả này”, Giáo sư Andrew Pollard, người đứng đầu nhóm giám sát thử nghiệm vaccine của Đại học Oxford phát biểu tại sự kiện công bố kết quả nghiên cứu hôm 28/6.
Nghiên cứu mới nhất huy động tình nguyện viên từng tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine AstraZeneca giai đoạn đầu và giai đoạn cuối hồi năm ngoái. Ở lần nghiên cứu này, tất cả tình nguyện viên đều nằm trong độ tuổi từ 18-55, vì đây chính là độ tuổi của các tình nguyện viên từng tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Kết quả cho thấy tình nguyện viên tiêm liều hai sau thời gian 15-25 tuần kể từ thời điểm tiêm mũi một có lượng kháng thể trung bình cao gần gấp đôi so với người được tiêm sau 8-12 tuần, cho thấy việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm có thể giúp tăng thêm lượng kháng thể. Lượng globulin miễn dịch (IgG) đối với người tiêm mũi hai sau mũi một từ 8-12 tuần, 15-25 tuần và 44-46 lần lượt là 923, 1.860 và 3.738 đơn vị, được đo tại thời điểm 28 ngày sau khi hoàn thành mũi 2.
Hồi tháng 2/2021, Nhóm Vaccine của Đại học Oxford – nhà phát triển vaccine AstraZeneca, cũng nhận thấy rằng việc chích ngừa liều hai sau ba tháng sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn so với khung thời gian 6 tuần giữa hai liều tiêm. Anh là nước đầu tiên trên thế giới thực hiện việc giãn thời gian tiêm hai liều, từ ba tuần lên ba tháng.