Tại cuộc họp, Đại sứ Derry Aman, Đại diện thường trực Indonesia tại ASEAN và là Chủ tịch ACCC năm 2023, đánh giá cao thành công của Chủ tịch Campuchia năm 2022, đồng thời khẳng định cam kết của Indonesia đối với các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, đặc biệt là trong lĩnh vực kết nối.
Đại sứ Derry đã chia sẻ về 3 trụ cột của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia, bao gồm tầm quan trọng của ASEAN, tâm điểm tăng trưởng, và lồng ghép Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Đại sứ Derry thông báo các ưu tiên của Indonesia trong lĩnh vực an ninh lương thực và năng lượng, kiến trúc y tế khu vực, và ổn định tài chính, cũng như kế hoạch tổ chức các sự kiện lớn gồm Diễn đàn thanh niên ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Hội nghị thượng đỉnh về kinh tế sáng tạo, cơ sở hạ tầng, kinh doanh và đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Indonesia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối với tư cách là một trong những lĩnh vực ưu tiên của AOIP, đồng thời khẳng định rằng việc thực hiện MPAC là một phần của trụ cột “Tâm điểm tăng trưởng”.
Về phần mình, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn tái khẳng định sự ủng hộ của Ban thư ký ASEAN đối với các công tác của ACCC và nhấn mạnh một số thông điệp chính nhằm tăng cường hợp tác kết nối ASEAN, bao gồm triển khai các sáng kiến khu vực ở từng quốc gia; tăng cường và mở rộng can dự với các đối tác bên ngoài; phát huy sức mạnh tổng hợp giữa MPAC 2025, AOIP và các sáng kiến kết nối khác do các đối tác bên ngoài dẫn dắt; thu hút nhiều bên liên quan hơn, trong đó có khu vực tư nhân, theo cách tiếp cận toàn cộng đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận về các ưu tiên kết nối của Indonesia; xem xét tình hình triển khai các sáng kiến và dự án thuộc MPAC 2025; trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác ASEAN với các đối tác đối thoại và các đối tác bên ngoài khác trong việc thực hiện các sáng kiến MPAC 2025.