Phát biểu khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 3 diễn ra tại Jakarta ngày 7/9, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho rằng đối với ASEAN, Australia không chỉ là láng giềng mà còn là đối tác chiến lược toàn diện và là mối liên kết với khu vực Thái Bình Dương. Mặt khác, ASEAN là đối tác thương mại quan trọng của Australia với giá trị trao đổi cao hơn cả Mỹ và Nhật Bản.
Theo đó, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh bất cứ điều gì xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ có tác động lớn đối với Australia cũng như đối với ASEAN. Do đó, ASEAN và Australia đều có lợi ích cũng như trách nhiệm đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và biến khu vực này thành tâm điểm tăng trưởng.
ASEAN đánh giá cao sự hỗ trợ của Australia về Tầm nhìn ASEAN về vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như sự tham gia tích cực của Australia vào Diễn đàn ASEAN - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt là vai trò tích cực của Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Bên cạnh đó, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh, với nguyên tắc bao trùm, năm nay Ban Thư ký ASEAN sẽ làm việc cùng với các Ban thư ký Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương và Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 cùng ngày, Tổng thống Indonesia nhấn mạnh sự hợp tác giữa ASEAN và Ấn Độ đến nay đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cần tối ưu hóa sự hợp tác này trong tương lai.
Ông Widodo nhấn mạnh đây là chìa khóa để hiện thực hóa một khu vực có thể trở thành tâm điểm của tăng trưởng. Nhà lãnh đạo Indonesia cho rằng với rất nhiều tiềm năng to lớn của khu vực Ấn Độ Dương khi khu vực này kết nối 33 quốc gia, với 2,9 tỷ dân và chiếm 20% GDP thế giới vào năm 2025, Ấn Độ và ASEAN có thể thúc đẩy tiềm năng hợp tác này hướng tới nền kinh tế xanh, kết nối hàng hải và tài nguyên năng lượng biển bền vững.
Bên cạnh đó, hai bên cần tích cực đấu tranh phòng chống các tội phạm hàng hải, chẳng hạn như cướp biển, buôn người, ma túy và khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tổng thống Indonesia cho rằng cần đẩy mạnh quá trình biến đại dương thành “biển hợp tác” chứ không phải “biển đối đầu”, phải duy trì ổn định, hòa bình bằng cách tôn trọng luật pháp quốc tế, khuyến khích thói quen hợp tác và xây dựng một cấu trúc khu vực bao trùm.