Phát biểu tại một buổi họp báo, Thủ tướng Pashinyan nêu rõ: "Armenia công nhận diện tích lãnh thổ 86.600 km2 của Azerbaijan, đồng nghĩa Azerbaijan công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ với diện tích 29.800 km2 của Armenia. Armenia sẽ công nhận khu vực Nagorny-Karabakh là một phần của lãnh thổ 86.600 km2 song chỉ khi hai bên đã thảo luận và nhất trí về việc đảm bảo an toàn và quyền lợi cho những người gốc Armenia sống tại đây".
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Pashinyan cũng khẳng định cam kết của Armenia với chương trình nghị sự hòa bình khu vực, đồng thời bày tỏ hy vọng trong tương lai gần có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan.
Ngày 18/5, Thủ tướng Pashinyan cho biết Armenia đã chấp nhận đề xuất từ Nga về việc tổ chức hội nghị ba bên ở cấp cao nhất dưới vai trò trung gian hòa giải của Tổng thống Nga vào ngày 25/5 tới.
Trước đó, ngày 14/5, lãnh đạo hai nước Armenia và Azerbaijan đã có cuộc gặp tại thủ đô Brussels của Bỉ trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực biên giới hai nước này. Nhận xét về cuộc đàm phán ngày 14/5 mà Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò trung gian, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel cho rằng hai bên đã đạt được "tiến bộ rõ ràng" trong mục tiêu dỡ bỏ rào cản đối với các liên kết kinh tế và giao thông trong khu vực.
Quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan căng thẳng liên quan quyền kiểm soát khu vực Nagorny-Karabakh, khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan song có đa số dân cư là người gốc Armenia nên muốn sáp nhập vào nước này. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước láng giềng với đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tiến hành hàng chục cuộc gặp cấp cao, nhưng chưa tìm được biện pháp hòa giải phù hợp đối với các vấn đề, trong đó có việc phân định biên giới và trao đổi tù nhân. Quan hệ giữa hai nước càng trở nên căng thẳng sau khi Baku ngày 23/4 vừa qua thiết lập một trạm kiểm soát trên tuyến đường bộ duy nhất đi qua lãnh thổ Azerbaijan và nối Armenia với khu vực Nagorny-Karabakh.