Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 26/10 đã đưa ra tuyên bố trên tại một diễn đàn ở thủ đô Tbilisi của Gruzia, sự kiện cũng có sự tham dự của các Thủ tướng Azerbaijan và Georgia.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Pashinyan cho biết Armenia hy vọng sẽ mở cửa biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Azerbaijan, cho công dân của các nước thứ 3 và những người mang hộ chiếu ngoại giao. Biên giới này đã đóng cửa từ năm 1993 khi Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ với Armenia trong bối cảnh khi đó xung đột leo thang giữa Yerevan và Baku liên quan đến khu vực Nagorny-Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối mở cửa lại biên giới nếu không có giải pháp hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan .
Cũng tại diễn đàn này, Thủ tướng Azerbaijan Ali Asadov tuyên bố Baku đã cam kết thúc đẩy hòa bình và khôi phục các tuyến giao thông vận tải với Armenia kể từ năm 2020 và việc thực hiện các cam kết này phụ thuộc vào thiện chí của chính quyền Yerevan.
Trong những tuần gần đây, Armenia và Azerbaijan đã tuyên bố sẵn sàng ký hiệp ước chấm dứt hàng thập kỷ xung đột ở Nagorny-Karabakh, vùng núi cao nằm tại khu vực chiến lược Nam Kavkaz. Ngày 23/10 vừa qua, Iran đã đăng cai tổ chức các cuộc đàm phán giữa các Bộ trưởng Ngoại giao Armenia và Azerbaijan, đánh giá rằng đây là cơ hội mang lại hòa bình cho khu vực Nam Kavkaz. Cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbaijan ở Tehran còn có sự tham dự của các Ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tuyên bố chung cuối cùng, các bên tham gia cuộc đàm phán đã nhắc lại “tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng chủ quyền, độc lập chính trị, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ”.
Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan nhưng có đa số người dân gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vào nước này. Vì thế, tại đây xảy ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng. Ngày 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh. Một ngày sau đó, với vai trò trung gian của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại đây, đại diện Azerbaijan và lực lượng vũ trang người gốc Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch, theo đó lực lượng người gốc Armenia đã đồng ý giải giáp.