Argentina kiện Mỹ tại Tòa án công lý quốc tế

Chính phủ Argentina ngày 7/8 đã kiện Mỹ tại Tòa án công lý quốc tế (ICJ) do ngành tư pháp nước này đưa ra những quyết định gây phương hại cho Buenos Aires trong việc tái cơ cấu nợ nước ngoài.

Trong một thông cáo, Văn phòng nội các Argentina cho biết Buenos Aires đã kiện Washington vì “vi phạm nghĩa vụ quốc tế tôn trọng chủ quyền của Argentina”, đặc biệt là vi phạm quyền miễn trừ chủ quyền, và vi phạm nghĩa vụ không được áp dụng hoặc khuyến khích các biện pháp kinh tế và chính trị nhằm can thiệp vào “quyết tâm chủ quyền” của nước khác.

Argentina đã quyết định đưa Mỹ ra tòa sau khi thẩm phán Mỹ Thomas Griesa mới đây ra phán quyết phong tỏa khoản tiền 539 triệu USD mà quốc gia Nam Mỹ này đã chuyển vào tài khoản của một ngân hàng của Mỹ để trả cho các chủ trái phiếu đã tham gia các đợt tái cơ cấu nợ do Buenos Aires triển khai các năm 2005 và 2010 sau khi vỡ nợ năm 2001.

Tổng thống Cristina Fernández tố cáo thẩm phán Griesa vi phạm chủ quyền của Argentina trong một buổi lễ hôm 7/8 tại Buenos Aires. Ảnh: Telam


Vị thẩm phán này ngăn Argentina không được tiếp tục thanh toán nợ cho các chủ nợ này nếu không đồng thời trả toàn bộ nợ gốc và lãi cho một số chủ nợ từ chối tham gia hai đợt tái cơ cấu nợ, trong đó có hai quỹ đầu tư đầu cơ của Mỹ là NML Capital và Aurelius Management.

Argentina tố cáo là những “quỹ kền kền”, vì chỉ bỏ ra 48 triệu USD mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại thị trường thứ cấp trong bối cảnh Buenos Aires bị vỡ nợ, sau đó từ chối tham gia đàm phán đáo nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo giá mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với số tiền ước lên tới 1,5 tỷ USD.

Buenos Aires không thể đáp ứng đòi hỏi của các “quỹ kền kền” vì theo một điều khoản trong các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, nếu trả nợ các “quỹ kền kền” theo giá mặt trái phiếu thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ trái phiếu không tham gia tái cơ cấu nợ và các chủ đã chấp nhận đáo nợ kiện yêu cầu cũng được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ có chuyên gia ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, các “quỹ kền kền” không chỉ gây hại cho Argentina mà còn cho hệ thống tài chính quốc tế. Thậm chí Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và một số tổ chức tín dụng cũng cảnh báo hành động của các “quỹ kền kền” với sự hỗ trợ của ngành tư pháp Mỹ gây bất ổn trật tự tài chính thế giới.

Ông Stiglitz, từng đoạt giải thưởng Nobel kinh tế, ví phán quyết của ông Griesa như là một “quả bom Mỹ ném xuống hệ thống kinh tế toàn cầu”, có thể làm trì hoãn hoặc kéo dài quá trình tái cơ cấu nợ và làm gia tăng bần cùng tại một số nước.

Ngày 31/7, hơn 100 nhà kinh tế của nhiều nước, trong đó có nhân vật đã đoạt giải thưởng Nobel kinh tế Robert Solow, đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động ngay lập tức để tìm ra giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của phán quyết của tòa án Mỹ.

Trong khi đó, ICJ cho biết sẽ không tiến hành bất kỳ thủ tục nào để giải quyết vụ kiện do Mỹ đã rút khỏi quyền tài phán của tòa án này năm 1986.

Theo chính phủ Argentina, nếu không chấp nhận thẩm quyền của tòa, Mỹ phải đưa ra một phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp theo tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiến chương của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và luật quốc tế nói chung.



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN