Ông Pesce cũng thông báo tờ tiền có mệnh giá 20.000 peso sẽ được đưa vào lưu hành trong tháng 12. Trước đó, vào tháng 1, BCRA thông báo sẽ phát hành cả 2 tờ tiền mệnh giá 10.000 và 20.000 peso trong tháng 6, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch, cải thiện công tác hậu cần của hệ thống tài chính và sẽ giảm đáng kể chi phí phát hành tiền.
Tính tới thời điểm hiện tại, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất tại Argentina là tờ 2.000 peso (tương đương 2,35 USD).
Năm 2023, lạm phát ở Argentina lên tới 211,4%, mức kỷ lục sau giai đoạn siêu lạm phát 1989 - 1990. Với tỷ lệ này, Argentina là quốc gia có mức lạm phát cao nhất khu vực Mỹ Latinh, cao hơn cả Venezuela (193%).
Trong tháng 2 năm nay, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh lên tới 276,2% so với cùng kỳ năm 2023, hệ quả của việc Chính phủ Tổng thống Milei tuyên bố phá giá tới 50% đồng peso nội tệ sau khi nhậm chức hôm 10/12, khiến giá cả leo thang.
Cùng ngày, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đánh giá cao các giải pháp cải cách kinh tế của Tổng thống Argentina Javier Milei nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách và thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông William Maloney, nhà kinh tế trưởng phụ trách Mỹ Latinh và Caribe của WB, đánh giá Chính phủ Argentina đang đi đúng hướng để nước Nam Mỹ có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ.
Phát biểu trong hội nghị trực tuyến về triển vọng kinh tế của Mỹ Latinh trong năm nay và những năm tới, ông Maloney bày tỏ việc Buenos Aires khống chế được tình trạng thâm hụt ngân sách, sẽ góp phần kiềm chế lạm phát và việc kiểm soát được siêu lạm phát mang tính quyết định đối với nền kinh tế nước Nam Mỹ.
Trước đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng ca ngợi các chính sách kinh tế “táo bạo” của chính phủ của Tổng thống Milei để khôi phục ổn định kinh tế và giải quyết các vấn đề đang làm chậm tăng trưởng và đầu tư.
Với việc cắt giảm mạnh chi tiêu công, chính phủ của Tổng thống Milei đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức thặng dư ngân sách tương đương 5% GDP trong năm 2024. Tuy nhiên, các chính sách "thắt lưng buộc bụng" lại gây bất đồng giữa chính quyền trung ương và các thống đốc tỉnh bởi các địa phương bị cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, y tế và xây dựng cơ sở hạ tầng.