Tại Argentina, số ca tử vong do COVID-19 đã tăng thêm 401 ca, lên 22.226 ca. Buenos Aires, tỉnh lớn nhất tại Argentina, đã ghi nhận tổng cộng 451.286 ca nhiễm và là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất tại quốc gia Nam Mỹ này.
* Cũng tại Nam Mỹ, Tổng thống Peru Martín Vizcarra cùng ngày thông báo chính phủ nước này đã ban hành một quy định nhằm tăng cường bảo hộ lao động cho phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú trong thời gian tình trạng khẩn cấp về y tế chống dịch COVID-19 được áp dụng tại nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, dự kiến tình trạng khẩn cấp y tế tại Peru sẽ kết thúc vào ngày 7/12 tới. Quy định trên cho phép phụ nữ mang thai có quyền đề nghị người sử dụng lao động không yêu cầu họ thực hiện các công việc có thể gây nguy hiểm đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, đồng nghĩa người sử dụng lao động phải giao cho họ những công việc thay thế nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải cung cấp các phương án làm việc từ xa cho các nhân viên nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú nếu hoàn cảnh công việc ảnh hưởng đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh. Nếu điều này không khả thi, các nhân viên nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú được nghỉ phép có lương.
Cho đến nay, Peru đã ghi nhận tổng cộng 832.929 ca mắc COVID-19, trong đó có 32.914 ca tử vong.
* Tại khu vực Bắc Mỹ, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng Canada, bà Theresa Tam ngày 7/10 cho biết số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng vọt lên 2.052 ca/ngày trong 7 ngày qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, con số trên cao gấp gần 10 lần so với ngày có ít ca nhiễm nhất ở Canada trong tháng 7.
Cũng theo bà Tam, số ca nhiễm mới tuần trước ở Canada đã tăng tới 40% so với tuần trước đó. Phần lớn số ca nhiễm mới là ở Quebec và Ontario - hai tỉnh hiện chiếm khoảng 80% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc. Đáng chú ý, số người phải nhập viện để điều trị tiếp tục tăng ở hai tỉnh đông dân nhất Canada này. Tuy nhiên, tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi số ca nhiễm mới tại Quebec đã giảm từ mức trên 1.000 ca/ngày trong 5 ngày liên tiếp xuống 900 ca. Theo bà Tam, sự gia tăng về số lượng và chủng loại các dụng cụ xét nghiệm là một nhân tố tích cực, cho phép các cơ quan y tế xác định và nhanh chóng cách ly các ca nhiễm mới.
Thành phố Montreal đang phải xử lý 130 ổ dịch kể từ khi làn sóng lây nhiễm thứ hai bùng phát. Chính quyền thành phố đang lo ngại xu hướng gia tăng các ca nhiễm trong nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Bà Mylène Drouin, người đứng đầu Cơ quan y tế công cộng của thành phố cho biết mặc dù các ổ dịch phần lớn có quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy tình trạng lây nhiễm bệnh trong cộng đồng. Theo bà Drouin, có tới 336 trường học ghi nhận ít nhất 1 ca mắc COVID-19.
Montreal - một trong những địa điểm áp dụng cảnh báo đỏ tại tỉnh bang Quebec - hiện trung bình có khoảng 300 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Theo trang thống kê worldometers.info, Canada đã ghi nhận tổng cộng 173.123 ca nhiễm và 9.541 ca tử vong do COVID-19.
* Trong khi đó, Bulgaria ngày 8/10 ghi nhận 437 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 22.743 ca nhiễm. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất tại quốc gia Balkan này. Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Bulgaria là 873 ca. Giới chức y tế Bulgaria cảnh báo sẽ áp đặt các hạn chế mới và thậm chí áp dụng lệnh phong tỏa nếu số ca nhiễm tiếp tục tăng.
* Tại Australia, bang New South Wales (NSW), bang đông dân nhất của nước này ngày 8/10 đã ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới. Đây là mức tăng cao nhất theo ngày kể từ ngày 2/9 vừa qua với 17 ca nhiễm mới. Các ca nhiễm mới này có nguy cơ gây trì hoãn việc mở cửa lại ranh giới giữa NSW và Queensland.
Tuần trước, Thủ hiến bang Queensland Annastacia Palaszczuk tuyên bố sẽ mở lại ranh giới với bang NSW vào ngày 1/11, nhưng chỉ khi nào bang này qua 28 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới mà chính quyền không thể truy vết.
Trong khi đó, bang Victoria, tâm dịch trong làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Australia, ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua.
Australia đã ghi nhận tổng cộng trên 27.000 ca nhiễm mới và trên 900 ca tử vong do COVID-19.