Nhà lãnh đạo Áo cũng đánh giá sai lầm khi liên kết việc vận hành của dự án trên với vấn đề Ukraine.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tân Thủ tướng Áo Nehammer đang gây sức ép để thúc đẩy vận hành nhanh chóng dự án đường ống gây tranh cãi Nord Stream 2. Phát biểu với báo Welt (Thế giới) của Đức, ông Nehammer nêu rõ: "Tôi mong Nord Stream 2 có thể nhanh chóng đi vào vận hành như kế hoạch". Theo ông, chừng nào các nước Liên minh châu Âu (EU) còn cần dầu khí, điều quan trọng là phải đảm bảo nguồn cung năng lượng từ nhiều nguồn và phải có đường ống phù hợp.
Thủ tướng Nehammer nhấn mạnh Nord Stream 2 là một dự án quan trọng, giúp đảm bảo nguồn cung năng lượng cho EU. Trước đề nghị của Chính phủ Mỹ coi dự án khí đốt như công cụ gây sức ép đối với Nga liên quan cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, Thủ tướng Áo Nehammer đã bác bỏ ý tưởng liên kết việc vận hành Nord Stream 2 với phản ứng của Nga liên quan vấn đề Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Áo, điều đó sẽ chỉ gây hại cho EU.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết liên minh cầm quyền ở nước này đã thống nhất áp dụng luật năng lượng của châu Âu vào các dự án năng lượng, và điều đó có nghĩa ở thời điểm hiện tại, Nord Stream 2 chưa thể được cấp phép vận hành, bởi dự án chưa đáp ứng quy định năng lượng của châu Âu cũng như các vấn đề còn bỏ ngỏ về an ninh. Bác lại quan điểm này, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy để dự án đi vào vận hành. Theo ông Schallenberg, dự án Nord Stream 2 đã hoàn tất và giờ là lúc vận hành đường ống. Nhà ngoại giao Áo cho rằng việc tiếp tục hoài nghi về dự án khí đốt này sẽ là sai lầm. Giống như Đức, Áo cũng nhận khí đốt tự nhiên từ Nga.
Theo một nguồn thạo tin từ Chính phủ Đức, Nga đang thực thi mọi thoả thuận về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu và Berlin mong muốn tăng lượng khí đốt nhập khẩu. Nguồn tin nêu rõ, quan sát và phân tích cho thấy Nga đang tuân thủ mọi thoả thuận về nguồn cung. Vấn đề liệu Nga có sẵn sàng cung cấp thêm ngoài thoả thuận hay không là câu chuyện hoàn toàn khác. Nguồn tin này cũng cho biết giá nhiên liệu tăng lên không chỉ ảnh hưởng tới thị trường Nga và châu Âu mà thực tế nhu cầu về khí đốt ở châu Á cũng gia tăng mạnh. Tuy nhiên, Berlin vẫn mong muốn có thêm nguồn cung từ Nga để xoa dịu thị trường.