Áo, Đan Mạch và Cyprus từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa

Ngày 1/2, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo nước này đã công bố kế hoạch từng bước nới lỏng lệnh phong tỏa thứ ba vốn được áp đặt hồi tháng 12 năm ngoái nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ tại một tuyến phố ở Salzburg, Áo trong bối cảnh các biện pháp hạn chế được áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, ngày 4/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Kurz cho biết các biện pháp nới lỏng sẽ có hiệu lực từ ngày 8/2 tới, theo đó các trường học, cửa hàng và các địa điểm văn hóa như bảo tàng và vườn thú sẽ được phép mở cửa trở lại nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Học sinh tiểu học sẽ được trở lại trường, trong khi học sinh trung học cơ sở học theo ca. Các trung tâm thương mại cũng có thể mở cửa trở lại song phải đảm bảo giãn cách với chỉ 1 khách hàng/20m2 và bắt buộc phải đeo khẩu trang FFP2. Người dân có thể đến các tiệm làm tóc, thẩm mỹ viện hoặc cơ sở mát-xa nếu họ có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 48 giờ. 

Thủ tướng Kurz cho biết chính phủ sẽ xem xét lại tình hình sau 2 tuần để đánh giá về khả năng cho phép các nhà hàng và quán cà phê mở cửa trở lại, cũng như tổ chức các sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, ông cảnh báo chính phủ có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế chống dịch nếu tình hình dịch bệnh xấu đi. Bên cạnh đó, Áo cũng sẽ thắt chặt đáng kể hoạt động kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn "nhập khẩu" thêm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tương tự Áo, Chính phủ Đan Mạch cùng ngày thông báo sẽ thực hiện việc nới lỏng lệnh phong tỏa một cách thận trọng vào tuần tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke cho biết từ ngày 8/2, học sinh lớp 1 đến lớp 4 sẽ được quay trở lại trường học. Ông lý giải lệnh phong tỏa đã phát huy tác dụng khi giúp giảm số ca mắc COVID-19 và giảm tải cho các bệnh viện, qua đó cho phép các trường học tiếp đón nhóm học sinh trên. Tuy nhiên, tất cả học sinh khác vẫn tiếp tục tuân thủ các biện pháp hạn chế chống dịch vốn được áp đặt kể từ ngày 12/12/2020. Tuy nhiên, quan chức này cũng cảnh báo số ca mắc biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh vẫn không ngừng tăng và tiếp tục lây lan trên khắp Đan Mạch.

Theo Viện Huyết học quốc gia Đan Mạch, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 488 ca mắc và 20 ca tử vong. Tới nay, nước này đã ghi nhận 198.960 ca mắc và 2.145 ca tử vong do COVID-19.

* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Cypus Constantinos Ioannou thông báo chính phủ đã quyết định từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch COVID-19 vốn được áp dụng từ ngày 10/1.

Bộ trưởng Ioannou cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc và nhập viện do COVID-19 đã giảm đáng kể. Việc nới lỏng các biện pháp chống dịch dựa trên 3 trụ cột gồm xét nghiệm, tuân thủ các quy trình y tế và tiêm chủng. Ông lưu ý một lượng lớn người quay trở lại làm việc sẽ phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi tuần. 

Các tiệm cắt tóc và thẩm mỹ viện đã mở cửa trở lại từ ngày 1/2, trong khi các biện pháp hạn chế đi lại và lệnh giới nghiêm ban đêm một phần vẫn có hiệu lực. Các dịch vụ bán lẻ nói chung sẽ nối lại hoạt động từ ngày 8/2 với việc mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa và cửa hàng bán lẻ. Hầu hết các trường học cũng sẽ mở cửa trở lại, nhưng các nhà hàng, quán cà phê và quán rượu vẫn đóng cửa cho tới khi có thông báo mới.

* Tại Đức, hơn 3.000 binh sĩ đã được triển khai để hỗ trợ thực hiện xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở dưỡng lão ở nước này.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trao đổi với báo giới, Phó phát ngôn Chính phủ Đức, bà Martina Fietz, cho biết hiện có khoảng 3.100 binh sĩ thuộc quân đội liên bang được triển khai hỗ trợ nhân lực tại các cơ sở dưỡng lão và người cao tuổi nhằm thực hiện xét nghiệm nhanh. Xét nghiệm nhanh được tiến hành nhằm phòng tránh nguy cơ người cao tuổi bị mắc COVID-19 từ khách thăm hoặc nhân viên chăm sóc. Hiện trên 50% số quận, huyện và thành phố ở Đức đã đề nghị hỗ trợ về nhân lực của quân đội liên bang, trong khi quân đội Đức sẽ nhanh chóng triển khai nhân lực hỗ trợ trong vòng 48 giờ nếu được đề nghị. Theo bà Fietz, ngoài quân đội, Chính phủ liên bang Đức cũng đang huy động các tình nguyện viên để hỗ trợ việc xét nghiệm tại các cơ sở của người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương nhất và dễ bị chuyển bệnh nặng khi mắc COVID-19.

Chính phủ liên bang Đức dự kiến đến cuối năm nay có thể nhận được tổng cộng gần 323 triệu liều vaccine các loại, trong đó trong quý I sẽ nhận được 18,3 triệu liều, quý II là 77,1 triệu liều, quý III là 126,6 triệu liều và quý IV là 100,2 triệu liều.

Phương Oanh - Mạnh Hùng (TTXVN)
WHO và FIFA hợp tác thúc đẩy tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19
WHO và FIFA hợp tác thúc đẩy tiếp cận công bằng với vaccine ngừa COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) ngày 1/2 đã công bố mối quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng với vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cũng như các phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN