Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) ngày 13/6 cho biết chỉ riêng tháng 4 vừa qua đã có 257.000 ngày công bị lãng phí. Tại thời điểm này, các bác sĩ, y tá mới vào nghề và một số công chức đã phản đối đề nghị trả lương dưới mức lạm phát.
Theo hãng tin Bloomberg, tổng số ngày làm việc bị mất kể từ đầu năm ngoái đã tăng lên gần 3,9 triệu, cao nhất kể từ năm 1989 - 1990 khi bà Margaret Thatcher vẫn còn là Thủ tướng Anh.
Lạm phát cao kéo dài đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Anh, với việc người lao động đình công trên hàng loạt lĩnh vực từ đường sắt, chăm sóc y tế, giáo dục cho đến sân bay và bưu cục. Nhiều liên đoàn lao động yêu cầu chính phủ tăng lương phù hợp với đà tăng của lạm phát để có thể trang trải các hóa đơn thực phẩm và năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của họ.
Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Anh trước đây ước tính rằng hoạt động đình công này đã gây thiệt hại hơn 1,6 tỷ USD chi phí trực tiếp.
Hồi tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Jeremy Hunt cho biết chính phủ sẵn sàng chấp nhận “thiệt hại ngắn hạn” từ các cuộc đình công trong nỗ lực kiềm chế lạm phát. Lạm phát tại Anh trong tháng 4 đã xuống mức thấp nhất trong 13 tháng nhưng vẫn ở mức 8,7% do giá thực phẩm tăng mạnh.
Trong thông báo ngày 15/3, Thủ tướng Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ gia hạn chương trình trợ cấp hóa đơn năng lượng thêm 3 tháng do xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng leo thang. Ông nêu rõ quyết định này nhằm hỗ trợ chi phí sinh hoạt cho các gia đình đang gặp khó khăn và giảm 50% tỷ lệ lạm phát trong năm nay.