Nền công nghiệp Đức có thể rơi vào bế tắc do thiếu khí đốt của Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này sẽ phải thu hẹp quy mô hoặc thậm chí ngừng sản xuất công nghiệp nếu việc vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga qua Ukraine dừng lại vào năm tới.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt tại một trạm truyền dẫn ở Werne, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

“Không có kịch bản chắc chắn vạch rõ mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Habeck tại Hội nghị Kinh tế Ostdeutsches Wirtschaftsforum (OWF) diễn ra tại Bad Saarow. Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách ở Berlin cần tránh “lặp lại sai lầm tương tự khi cho rằng tình trạng thiếu năng lượng sẽ không ảnh hưởng đến nền kinh tế”.

Bất chấp xung đột với Kiev, Nga vẫn tiếp tục tuân thủ hợp đồng cung cấp khí đốt và trả phí quá cảnh cho Ukraine. Tuy nhiên, ở hoàn cảnh hiện tại, rất khó có khả năng hợp đồng này sẽ tiếp tục được gia hạn sau khi hết hạn vào cuối năm 2024.

Trong khi Berlin tuyên bố đã từ bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt của Nga kể từ tháng 1, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác vẫn dựa vào Moskva để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức giải thích nếu Áo, Slovakia, Italy và Hungary cũng bị Nga cắt nguồn cung, EU sẽ yêu cầu Đức hỗ trợ theo các quy tắc chia sẻ khí đốt của khối, và điều này sẽ gây ra vấn đề cho người dùng công nghiệp.

Ông Habeck lập luận rằng việc xây dựng các trạm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới trên bờ biển Baltic là điều cần thiết để Berlin có thể nhập khẩu khí đốt từ Mỹ và Trung Đông. Tuy nhiên, cư dân địa phương và các nhóm hoạt động môi trường đã tìm cách ngăn chặn việc xây dựng.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cũng ủng hộ các nguồn năng lượng thay thế trong nhiều tháng sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022.

“Đức đã phát triển một mô hình kinh doanh chủ yếu dựa vào khí đốt giá rẻ của Nga,” ông Habeck chia sẻ với báo giới hồi tháng 8/2022.

Trong diễn biến liên quan, đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga cho Đức đã bị hư hại trong một loạt vụ nổ dưới biển. Nhà báo Mỹ Seymour Hersh đã cáo buộc Mỹ ra lệnh và thực hiện vụ phá hoại, trong khi Washington và các đồng minh khẳng định Moskva có khả năng thực hiện vụ việc, song không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Trước cuộc xung đột tại Ukraine, Nga là nguồn cung năng lượng lớn nhất của châu Âu, cung cấp khoảng 40% tổng nhu cầu khí đốt của châu lục này. Phần lớn các nước thành viên EU dựa vào nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga để sưởi ấm, nấu ăn và sản xuất điện. Kể từ khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt, châu Âu đã điêu đứng vì giá khí đốt tăng khiến giá các mặt hàng tiêu dùng bị đẩy lên cao, gia tăng lạm phát tại nhiều nước trong khu vực.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo RT)
Đức: Biểu tình phản đối cuộc tập trận của NATO
Đức: Biểu tình phản đối cuộc tập trận của NATO

Trước thềm cuộc tập trận trên không "Air Defender 2023" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngày 10/6, hàng trăm người đã tập trung trước căn cứ không quân Wunstorf ở vùng Hannover, bang Niedersachsen của Đức nhằm phản đối cuộc tập trận.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN