Anh tiếp tục trì hoãn kiểm soát biên giới đối với hàng hóa từ EU

Chính phủ Anh dự kiến sẽ sớm xác nhận lần trì hoãn thứ năm việc thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới hậu Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU), đối với thực phẩm và các sản phẩm tươi sống đến từ khối này.

Chú thích ảnh
Hàng hóa xếp tại cảng ở Southampton, Anh. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt ủng hộ việc trì hoãn do lo ngại các thủ tục hành chính mới sẽ đẩy giá thực phẩm tăng cao trong bối cảnh khủng hoảng lạm phát, trong khi các thương nhân cũng cần thêm thời gian để sẵn sàng cho hệ thống mới.

Việc trì hoãn đồng nghĩa các thủ tục giấy tờ mới, bao gồm chứng nhận y tế đối với sản phẩm nhập khẩu có độ "rủi ro trung bình", trước đó dự kiến được áp dụng từ ngày 31/10/2023, sẽ được lùi sang tháng 1/2024, trong khi việc kiểm tra thực tế hàng nhập khẩu từ EU tại các cảng sẽ chỉ bắt đầu từ tháng 4/2024. Việc triển khai đầy đủ chế độ kiểm soát mới sẽ được áp dụng từ tháng 10/2024.

Văn phòng Nội các Anh cho biết chế độ mới và thời gian thực hiện sẽ được thông báo muộn nhất trong tuần tới.

Các doanh nghiệp cho biết việc trì hoãn sẽ giúp các cảng và các công ty vận tải có thêm thời gian chuẩn bị, trong khi việc trì hoãn kiểm tra thực tế hàng hóa đến tháng 4/2024 sẽ giảm tải gánh nặng cho doanh nghiệp vào mùa Đông, thời gian bận rộn nhất trong năm khi các siêu thị của Anh phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nhập khẩu.

Ông William Bain, Trưởng bộ phận chính sách thương mại tại Phòng Thương mại Anh, cho biết việc lùi lại một số mốc quan trọng sẽ giúp các doanh nghiệp và nhà cung cấp có thêm thời gian chuẩn bị và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát giá lương thực lên đến đỉnh điểm.

Ông nhấn mạnh để áp dụng các quy định mới, điều quan trọng giờ đây là đảm bảo sự sẵn sàng về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật số tại Dover, Holyhead và các cảng nhập cảnh trên khắp đất nước.

Chế độ kiểm soát biên giới hậu Brexit đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2021 song đã bị trì hoãn nhiều lần. Trong khi đó, EU đã áp dụng quy định kiểm tra toàn diện đối với hàng xuất khẩu của Anh từ tháng 1/2021.

Hồi tháng 4/2023, chính phủ tuyên bố sẽ triển khai mô hình kiểm soát biên giới từ ngày 31/10/2023. Tuy nhiên, việc triển khai này sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp, vốn đã bị trì hoãn do Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Jeremy Hunt ưu tiên giải quyết lạm phát và sẵn sàng chấp nhận đánh đổi quyền kiểm soát biên giới để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 1/8, Chính phủ Anh cũng trì hoãn không thời hạn yêu cầu dán nhãn chất lượng sản phẩm UKCA của Anh thay vì nhãn CE của  EU sau khi các doanh nghiệp cảnh báo các thủ tục này gây khó cho các công ty.

Hồi tháng 6/2022, ngành công nghiệp thực phẩm cảnh báo kế hoạch tính phí kiểm tra theo tỷ lệ cố định lên tới 43 bảng đối với mỗi lô hàng thực phẩm đến từ EU sẽ đẩy giá thực phẩm tăng cao. Chính phủ ước tính tổng chi phí bổ sung cho các biện pháp kiểm soát hàng hóa từ EU là 420 triệu bảng mỗi năm.

Theo quy định mới, các nhà xuất khẩu thực phẩm của EU sang Anh sẽ phải nộp chứng nhận y tế có chữ ký của bác sĩ thú y với chi phí vài trăm euro cho một giấy xác nhận.

Ông Shane Brennan, Chủ tịch Liên đoàn chuỗi cung ứng thực phẩm lạnh, cho biết việc trì hoãn quy định mới là "điều đúng đắn nên làm" do áp lực lạm phát và sự thiếu nhận thức ở EU về các biện pháp kiểm soát sắp tới.

Một khảo sát với các doanh nghiệp của Liên đoàn Chuỗi cung ứng thực phẩm lạnh vào tháng 7/2022 cho thấy 40% khách hàng và nhà cung cấp có trụ sở tại EU của các doanh nghiệp này không biết về các yêu cầu sắp tới.

Tuy nhiên, ông Nick von Westenholz, Giám đốc thương mại, Hiệp hội Nông dân Quốc gia Anh, cho rằng việc trì hoãn thực hiện quy định mới khiến nông dân Anh bất bình bởi họ phải đối mặt với các rào cản khi xuất khẩu hàng sang Anh trong khi hàng nhập khẩu từ EU lại không chịu sự kiểm soát tương tự.

Mặc dù thừa nhận chính phủ cần bảo vệ người tiêu dùng khỏi lạm phát, ông cho rằng chính phủ phải nhanh chóng đặt ra một thời gian biểu rõ ràng và cụ thể đối với việc thực hiện kiểm soát hàng nhập khẩu từ EU để đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho những người trồng trọt và sản xuất ở Anh.

Minh Hợp (P/v TTXVN tại London)
Anh - EU chính thức ký thực thi Khuôn khổ Windsor
Anh - EU chính thức ký thực thi Khuôn khổ Windsor

Theo phóng viên TTXVN tại London, Ngoại trưởng Anh James Cleverly và Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic ngày 24/3 đã chính thức ký thực thi Khung Thỏa thuận Windsor, nhằm giải quyết tình trạng bế tắc thương mại giữa London và Brussels kể từ sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) cho đến nay và khắc phục những bất cập trong Nghị định thư Bắc Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN