Tại cuộc họp báo cùng ngày ở Lâu đài Windsor, ông Sunak và bà Von der Leyen ca ngợi thỏa thuận “Khuôn khổ Windsor” là bước đột phá mang tính quyết định, giải quyết tranh chấp liên quan tới Nghị định thư Bắc Ireland. Thủ tướng Sunak tuyên bố Anh và EU là "đồng minh, đối tác thương mại và bạn bè" trong khi bà Ursula von der Leyen khẳng định hai bên là "đối tác thân thiết, kề vai sát cánh, hiện tại và trong tương lai".
Khuôn khổ Windsor cắt giảm các thủ tục trong trao đổi thương mại giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, giảm vai trò của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) và luật pháp EU ở Bắc Ireland, đồng thời cho phép cơ quan lập pháp Bắc Ireland có tiếng nói đối với các quy định mới của EU.
Khuôn khổ Windsor thiết lập làn xanh tại các cảng biển Ireland dành cho hàng hóa đến từ Vương quốc Anh lưu hành ở Bắc Ireland mà không chịu bất kỳ hạn chế thương mại nào, trong khi làn đỏ sẽ dành cho hàng hóa tiếp tục vào Ireland và thị trường EU. Hàng hóa như thuốc men, thực vật, xúc xích, bưu kiện và thú cưng cũng được vận chuyển dễ dàng giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland, xóa bỏ “biên giới ở Biển Ireland”.
Theo thỏa thuận mới, mặc dù ECJ vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề thị trường chung ở Bắc Ireland, vai trò của tòa án này bị giới hạn, và Anh chứ không phải EU, sẽ nắm quyền kiểm soát thuế giá trị gia tăng và trợ cấp nhà nước trong khu vực.
Đặc biệt, thỏa thuận cho phép nghị viện vùng Bắc Ireland áp dụng cơ chế "phanh khẩn cấp" đối với những thay đổi trong các quy định về hàng hóa của EU có "tác động đáng kể và lâu dài", nếu có yêu cầu từ 30 thành viên của ít nhất hai chính đảng tại cơ quan lập pháp. Điều này có nghĩa Chính phủ Anh sẽ có quyền phủ quyết việc áp dụng một số luật của EU tại Bắc Ireland, một động lực để đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) tham gia trở lại chính quyền chia sẻ quyền lực tại khu vực.
Kể từ khi Anh rời EU năm 2020, các quy định thương mại đặc biệt dành cho Bắc Ireland theo Nghị định thư Bắc Ireland, một phần quan trọng của thỏa thuận hậu Brexit giữa Anh và EU, đã gây nên tranh chấp và chia rẽ sâu sắc. Theo Nghị định thư, để tránh tạo ra biên giới cứng giữa Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland, một thành viên EU, Bắc Ireland vẫn nằm trong thị trường hàng hóa EU, vì vậy chịu kiểm soát hải quan đối với hàng hóa nhập từ Vương quốc Anh vào khu vực.
Tuy nhiên, Anh muốn sửa đổi Nghị định thư với lý do các quy định trong văn kiện gây cản trở thương mại trong Vương quốc Anh, trong khi EU cho rằng mọi thay đổi đơn phương đều vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời lên kế hoạch trừng phạt Anh
Thỏa thuận mới với EU mang lại những lợi ích kinh tế hữu hình cho nước Anh, đây cũng là ưu tiên rõ ràng đối với Thủ tướng Sunak vốn đang chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trước khi cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào cuối năm 2024.
Thỏa thuận cũng loại bỏ nguy cơ Anh bị EU trả đũa thương mại nếu chính phủ của ông Sunak tiếp tục thúc đẩy dự luật nhằm đơn phương viết lại Nghị định thư Bắc Ireland, điều Anh khó có khả năng thực hiện trong bối cảnh suy thoái kinh tế.
Một chương trình nghị sự tham vọng hơn có thể dẫn đến những nỗ lực nhằm giảm bớt những hạn chế đối với việc di chuyển xuyên biên giới của người lao động; việc công nhận lẫn nhau về nhãn hiệu đảm bảo chất lượng và an toàn hàng hóa cũng như trình độ chuyên môn, và khả năng ký một thỏa thuận thú y nhằm giảm thiểu kiểm tra hải quan đối với thực phẩm.
Một "phần thưởng" khác dành cho Anh là việc tái kết nạp nước này vào chương trình khoa học Horizon của EU trị giá 95 tỷ euro (100 tỷ USD), động thái mang lại lợi ích cho cả các nhà nghiên cứu Anh và EU.
Khuôn khổ Windsor không đơn thuần chỉ là văn bản quy định thương mại hậu Brexit ở Bắc Ireland, mà mang ý nghĩa lớn hơn nhiều. Có thể nói đây là thời điểm để thiết lập lại quan hệ Anh-EU. Cả hai bên đều nhìn thấy những lợi ích thực sự trong việc chấm dứt mối hiềm khích đã làm xấu đi quan hệ kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit năm 2016.
Nghiên cứu viên tại tổ chức Nước Anh trong một châu Âu thay đổi, Joel Reland, cho biết có nhiều triển vọng cho cả hai bên, bao gồm hợp tác sâu hơn về chính sách năng lượng và khả năng hai bên gia hạn thời gian ân hạn thương mại miễn thuế đối với xe điện. Ông Reland cho biết: "Đây là thời điểm quan trọng. Lần đầu tiên kể từ năm 2016, Chính phủ Anh đã đặt tác động kinh tế của Brexit lên trước chính trị”, mở ra cơ hội thúc đẩy thương mại.
Thỏa thuận cũng giúp thúc đẩy hợp tác an ninh và ngoại giao của Anh với EU trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời tăng triển vọng thúc đẩy quan hệ với Pháp, đặc biệt trong hợp tác nhằm ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp đến Anh qua eo biển Manche.
Một lợi ích khác đối với Anh là cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden, người quan tâm sâu sắc tới hòa bình ở Bắc Ireland và đã thúc đẩy Anh đạt thỏa thuận về Nghị định thư Bắc Ireland kể từ khi ông nhậm chức năm 2021. Tổng thống Biden cho biết thỏa thuận là "một bước đi thiết yếu" đảm bảo duy trì và củng cố hòa bình và tiến bộ của thỏa thuận "Thứ Sáu tốt lành", khẳng định Mỹ sẵn sàng hỗ trợ tiềm năng kinh tế lớn của khu vực.
Với thỏa thuận mới, Thủ tướng Sunak dường như đã đạt được nhiều hơn những gì mà đảng Bảo thủ cầm quyền mong đợi, cho thấy ông bước đầu đã tạo dựng được lòng tin ở Brussels. Đạt được thỏa thuận với EU góp phần nâng cao vị thế của Thủ tướng Sunak trong nước, đồng thời thay đổi quan điểm rằng chính phủ của ông không có khả năng thực hiện những cải cách cần thiết hoặc lâu dài. Theo một cựu bộ trưởng Anh: "ông Sunak đã đạt được nhiều hơn những gì mà các cựu thủ tướng Theresa May, Boris Johnson, Liz Truss và David Cameron mang lại”.
Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer khẳng định hoàn toàn ủng hộ Khuôn khổ Windsor, thừa nhận “bất kỳ bước đi nào theo hướng này sẽ là một sự cải thiện đối với những gì chúng ta đang có". Nghị sĩ đảng Bảo thủ theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, Jacob Rees-Mogg, đánh giá Thủ tướng Anh đã “làm rất tốt” trong đàm phán với Brussels, trong khi Bộ trưởng phụ trách Bắc Ireland Steve Baker, người theo đường lối Brexit cứng rắn, cũng cho rằng ông Sunak đã đạt được một thỏa thuận thực sự tốt cho tất cả các bên liên quan.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định vẫn còn hai thử thách lớn chờ đợi thỏa thuận của ông Sunak.Thứ nhất là việc 12 quan chức của DUP sẽ nghiên cứu thỏa thuận trước khi quyết định liệu đảng này có chấm dứt việc tẩy chay tham gia cơ quan lập pháp Bắc Ireland hay không. Chủ tịch DUP Jeffrey Donaldson thừa nhận thỏa thuận đạt những tiến bộ đáng kể trong nhiều lĩnh vực, song nhấn mạnh vẫn còn những vấn đề lớn cần quan tâm, như việc luật EU vẫn được áp dụng trong một số lĩnh vực của nền kinh tế Bắc Ireland. Ông Donaldson cho biết DUP sẽ đánh giá các nội dung của thỏa thuận nhằm xác định thỏa thuận có tôn trọng và khôi phục vị trí của Bắc Ireland tại Vương quốc Anh hay không.
Thứ hai là thách thức từ Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG) gồm các nghị sĩ Bảo thủ ủng hộ Brexit, trong đó có nhiều luật sư. Rắc rối vẫn có thể xảy ra, song các đảng viên Bảo thủ thân châu Âu cho rằng ERG không còn mạnh như trước, khi chưa tới 30 nghị sĩ Bảo thủ tham gia cuộc họp của nhóm vào tuần trước để thảo luận về thỏa thuận này.
Mặc dù chưa rõ Khuôn khổ Windsor có được DUP chấp nhận hay không, các nhà phân tích cho rằng ông Sunak đã đúng khi đánh giá rằng việc thúc đẩy thỏa thuận sẽ mang lại những lợi ích lớn cho Vương quốc Anh. Trong chuyến công du Belfast ngày 28/2 nhằm giới thiệu thỏa thuận mới tới các doanh nghiệp Bắc Ireland, Thủ tướng Sunak cho biết thỏa thuận sẽ khơi thông đầu tư ở khu vực, đưa ra tín hiệu chính phủ sẽ thúc đẩy Khuôn khổ Windsor ngay cả khi bị DUP từ chối, nhấn mạnh thỏa thuận không phục vụ một chính đảng, mà vì lợi ích tốt nhất cho người dân, cộng đồng và doanh nghiệp ở khu vực.