Tuyên bố của bộ trên nêu rõ vụ đảo chính tại Niger đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình và gây bất ổn. Nhóm tổ chức cuộc biểu tình ngày 30/7 (M62) đã kêu gọi tiến hành cuộc biểu tình khác trong ngày 3/8 (Ngày Độc lập của Niger). Cơ quan ngoại giao Anh nêu rõ các cuộc biểu tình có thể biến thành bạo lực và tình hình có thể thay đổi nhanh chóng mà không có cảnh báo trước.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Anh ngày 2/8 thông báo kế hoạch sơ tán công dân khỏi Niger, đồng thời nhấn mạnh đây là ưu tiên hàng đầu của nước này.
Trong khi đó, Pháp đã yêu cầu chính quyền quân sự tại Niger đảm bảo an toàn cho Đại sứ quán Pháp tại Niamey trước những hoạt động biểu tình được lên kế hoạch tổ chức trong ngày 3/8 sau vụ đảo chính quân sự.
Trước đó, ngày 1/8, Đại sứ quán Pháp tại Niamey thông báo trước tình hình an ninh xấu đi ở Niamey, Chính phủ Pháp đang chuẩn bị cho chiến dịch sơ tán công dân khỏi Niamey bằng đường hàng không. Thông báo nhấn mạnh rằng việc sơ tán "sẽ diễn ra rất nhanh chóng trong khoảng thời gian hạn chế".
Hôm 26/7 vừa qua, các binh sĩ ở Niger đã phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum và giam giữ ông trong một dinh thự, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc. Ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng cận vệ của Tổng thống từ năm 2011, đã tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của Niger trong giai đoạn chuyển tiếp và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Pháp đã ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi khôi phục trật tự Hiến pháp ở Niger, đưa ông Bazoum trở lại vị trí Tổng thống. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp cũng khẳng định ưu tiên của Paris là an ninh của công dân và các cơ sở của nước này.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Đây là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara ở châu Phi.