Trong cuộc họp báo ngày 29/11, các nhà khoa học từ Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) cũng khuyến cáo trẻ em từ 12-15 tuổi cần iêm mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai. Trước đó, trẻ em trong nhóm tuổi này được khuyến nghị tiêm 1 mũi duy nhất.
JCVI lưu ý mũi tăng cường không nên được thực hiện sớm hơn 3 tháng sau mũi thứ hai, đồng thời việc mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường phải tuân theo thứ tự ưu tiên đã được thực hiện trong giai đoạn 1 và 2 của chương trình tiêm chủng nhằm đảm bảo những người dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ đầu tiên.
JCVI đưa ra các khuyến nghị trên khi số ca mắc COVID-19 với biến thể mới Omicron tại Anh đã tăng lên 11 người, trong đó có 6 trường hợp mới được phát hiện tại Scotland và 2 tại London.
Giải thích lý do rút ngắn thời gian giữa mũi tiêm thứ 2 và mũi nhắc lại so với 6 tháng theo khuyến nghị trước đây, Chủ tịch JCVI, Giáo sư Wei Shin Lim, cho biết thông thường kéo dài thời gian giữa các mũi tiêm sẽ tăng hiệu quả bảo vệ của vaccine. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng cần cân bằng giữa việc kéo dài thời gian để tăng phản ứng miễn dịch với việc tận dụng cơ hội để phát huy tối đa tác dụng của mũi tăng cường.
Trong khi đó, Giáo sư Jonathan Van-Tam, Phó giám đốc Cơ quan Y tế vùng England, cũng cho rằng điều quan trọng là phải làm chậm sự lây lan của Omicron bởi các nhà khoa học hiện chưa chắc chắn về hiệu quả của vaccine đối với biến thể này. Ông chỉ ra rằng việc tiêm mũi tăng cường có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm hiện nay khi chưa có cơ sở khoa học chắc chắn và chưa thể biết “điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”. Giáo sư Van-Tam cũng nhấn mạnh không nên hoảng sợ, song cũng không nên phớt lờ những cảnh báo, nhấn mạnh tình hình ở Nam Phi là một dấu hiệu sớm, và mọi người cần tiêm mũi tăng cường khi tới lượt.
Còn theo Tiến sĩ June Raine, Giám đốc điều hành Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe Vương quốc Anh, bà vẫn tự tin về tính an toàn của vaccine ngừa COVID-19, và khẳng định việc theo dõi tính an toàn của mũi tăng cường chưa làm dấy lên lo ngại mới nào. Cho đến nay, các phản ứng được báo cáo liên quan tới tác dụng phụ của vaccine như phản ứng tại chỗ tiêm và các triệu chứng giống như cúm đều nằm trong dự kiến ban đầu.
Các chính trị gia và nhà khoa học đang lo ngại về sự lan rộng toàn cầu của biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu ở miền Nam châu Phi vào ngày 24/11. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 29/11đã triệu tập cuộc họp khẩn với các Bộ trưởng Y tế nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) để thảo luận về cách ứng phó tốt nhất với biến thể đang lây lan nhanh chóng. Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron, từ ngày 30/11, Anh áp dụng trở lại quy định đeo khẩu trang tại các cửa hàng và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tất cả người nhập cảnh vào Anh giờ đây sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ hai sau khi đến Anh và phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả âm tính. Trong khi đó, tất cả những người tiếp xúc với các ca nhiễm biến thể mới sẽ phải tự cách ly, dù đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa.
Số ca mắc COVID-19 theo ngày tại Anh bắt đầu tăng trở lại từ đầu tháng 11. Ngày 29/11, Anh ghi nhận 42.583 ca mắc và 35 ca tử vong do COVID-19. Trong 7 ngày qua, số ca mắc mới tại nước này đã tăng 3,7%.