Ngoài quy định trên, chính quyền vùng England cũng yêu cầu tất cả du khách quốc tế phải tiến hành xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi tới và tự cách ly cho đến có kết quả xét nghiệm. Đây là quy định bổ sung mà chính quyền vùng England ban hành cùng với quy định bắt buộc cách ly đối với người đến từ 10 nước phía Nam châu Phi.
Anh đến nay đã ghi nhận 11 ca nhiễm Omircron và dự báo con số này sẽ còn tăng. Do đó, Chính phủ Anh nhanh chóng đưa ra các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng cho đến khi giới khoa học có thể xác định thêm về khả năng lây nhiễm của biến thể này.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng việc England đưa ra các biện pháp phòng dịch mới ở thời điểm hiện tại là cần thiết và thể hiện trách nhiệm. Nhờ đó, Anh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với Omicron và bảo vệ những thành tích chống dịch COVID-19 trong suốt thời gian qua. Hiện Thủ tướng Johnson đang xem xét chương trình tiêm mũi tăng cường mở rộng, coi đây là biện pháp hữu hiệu cho đến thời điểm hiện tại để bảo vệ con người trước nguy cơ của biến thể Omicron.
Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan An ninh Y tế Anh Jenny Harries ngày 30/11 ra tuyên bố trấn an người dân nước này, khẳng định ở thời điểm hiện tại không có dấu hiệu cho thấy biến thể Omicron gia tăng tại Anh khi tỷ lệ số ca xét nghiệm có sự bất thường không gia tăng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/11 đã chính thức đặt tên Omicron cho biến thể B.1.1529, được phát hiện lần đầu ở Nam Phi. WHO coi B.1.1.529 là biến thể đáng quan ngại. Như vậy, Omicron đang là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Cũng theo WHO, các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này. Hiện Omicron đã xuất hiện khắp các châu lục trên thế giới.