Thảm họa xảy ra sáng sớm 14/6/2017 là vụ cháy tòa nhà cư dân gây hậu quả thảm khốc nhất ở Anh kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi đó, đám cháy đã thiêu rụi tòa nhà chung cư xã hội cao 23 tầng tại một trong những khu vực giàu có nhất của London.
Nội dung bản báo cáo điều tra có đoạn kết luận rằng phần lớn trách nhiệm thuộc về các công ty liên quan đến việc bảo trì và cải tạo tòa tháp chung cư, những sai sót của chính quyền địa phương và trung ương cũng như các công ty đã tiếp thị không trung thực vật liệu phủ dễ cháy là an toàn. Cũng có nhiều lời chỉ trích nhằm vào chính quyền địa phương Kensington và Chelsea khi đó, ngành xây dựng, các nhóm quản lý, các cá nhân cụ thể và lực lượng cứu hỏa trong nhiều năm chưa quan tâm đúng mức tới công tác phòng cháy chữa cháy tại các tòa nhà cao tầng.
Chủ tịch ủy ban điều tra Martin Moore-Bick cho rằng sự thật đơn giản là tất cả những cái chết đã xảy ra đều có thể tránh được. Theo ông, mỗi bên đều có trách nhiệm ở các mức độ khác nhau khi để xảy ra thảm họa.
Báo cáo điều tra dài gần 1.700 trang chỉ ra vụ hỏa hoạn là hậu quả của sự thất bại trong nhiều khâu, kéo dài nhiều thập niên, trong đó phải kể đến việc đặt lợi nhuận lên trên tính mạng con người. Dù cảnh sát Anh cho biết 58 người và 19 công ty và tổ chức đang bị điều tra liên quan thảm họa nhưng phải mất nhiều năm nữa mới có thể đưa các bên liên quan ra truy tố do tính phức tạp của vụ việc và còn phải đánh giá báo cáo kết luận điều tra. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã thay mặt chính phủ xin lỗi người thân của các nạn nhân và người sống sót.
Trước đó, một báo cáo điều tra công bố năm 2019 xoay quanh các diễn biến trong đêm xảy ra cháy, đã phát hiện ra rằng ngọn lửa bắt nguồn từ sự cố về điện trong tủ lạnh của một căn hộ tầng 4. Hỏa hoạn sau đó lan rộng không kiểm soát được, chủ yếu là do lớp ốp phủ bên ngoài tòa nhà làm bằng vật liệu nhôm tổng hợp dễ cháy, bắt lửa nhanh. Lớp ốp này được phủ bên ngoài tòa nhà trong quá trình cải tạo năm 2016, được thiết kế để cải thiện thẩm mỹ và tăng khả năng cách nhiệt.