An ninh năng lượng của Armenia gặp khó do mối quan hệ băng giá với Nga

Armenia vẫn phụ thuộc vào một số lĩnh vực năng lượng của Nga và mối quan hệ nguội lạnh giữa hai nước hiện nay có thể ảnh hưởng đến nguồn cung của quốc gia Nam Á này.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) trong một cuộc gặp với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: ecfr.eu

Theo Viện Báo cáo Chiến tranh và Hòa bình (IWPR) ngày 17/1, mối quan hệ căng thẳng giữa Armenia với Nga có thể có tác động vượt ra ngoài liên minh chính trị và an ninh, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng khi Nga cung cấp hầu hết nhu cầu khí đốt cho Armenia.

Armenia chính thức được coi là một quốc gia tự cung tự cấp về lượng điện, đáp ứng tới 98% nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng thực tế phức tạp hơn.

“Khả năng tự cung cấp của chúng tôi phụ thuộc vào các quốc gia mà chúng tôi nhập khẩu khí đốt và urani để vận hành các nhà máy nhiệt điện và điện hạt nhân. Và khi các quan chức chính phủ của chúng tôi nói về khả năng tự cung tự cấp, tại sao họ lại quên nói cách để duy trì điều đó?”, chuyên gia năng lượng Armen Manvelyan nói với IWPR, lưu ý rằng trên thực tế, hơn 70% điện năng của Armenia phụ thuộc vào Nga.

Theo ủy ban thống kê của Armenia, năm 2021, nhiệt điện chiếm 42,9% điện năng của nước này, trong khi 25,4% được cung cấp bởi các nhà máy hạt nhân sử dụng urani nhập khẩu từ Nga.

Ngoài ra, Armenia còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên và dầu để đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của mình, chủ yếu từ Nga. Theo dữ liệu từ Bộ Quản lý Lãnh thổ, Nga cung cấp 87,5% nhu cầu khí đốt của Armenia thông qua đường ống dẫn qua Gruzia, trong khi Iran cung cấp 12,5% thông qua thỏa thuận trao đổi hàng hóa.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 15/11, đại sứ mới được bổ nhiệm của Iran tại Armenia, Mehdi Sobhani, ám chỉ rằng Tehran có thể giúp Yerevan giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Kể từ năm 2009, Armenia đã cung cấp điện cho Iran để đổi lấy nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên. Thỏa thuận này dự kiến ​​kết thúc vào năm 2026, nhưng vào tháng 8, hai nước đã đồng ý gia hạn và mở rộng thỏa thuận cho đến ít nhất là năm 2030. Tuy nhiên, Nga có thể dừng nguồn cung vì tập đoàn khí đốt Gazprom sở hữu đường ống dẫn khí đốt từ Iran đến Armenia.

Theo Ủy ban Thống kê Armenia, năm 2021, khí đốt tự nhiên chiếm 76,2% nguồn năng lượng nhập khẩu và các sản phẩm dầu mỏ chiếm 21,9%.

Armen Manvelyan, một chuyên gia năng lượng, lưu ý rằng trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng với Nga sau tình hình ở Nagorny-Karabakh, sự phụ thuộc này có vấn đề.

Ông tiếp tục: “Armenia hiện không ở trong tình trạng năng lượng tốt nhất. Nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động, các nhà máy nhiệt điện đang hoạt động, nhưng hoạt động của chúng phụ thuộc vào nguồn năng lượng do Nga cung cấp. Và nếu giá tăng lên, Armenia có thể phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng”.

Mặc dù việc tăng giá chưa phải là điều sắp xảy ra, nhưng sự rạn nứt ngày càng gia tăng giữa Armenia và Nga có nghĩa là không thể loại trừ khả năng này.

Chuyên gia Manvelyan cho biết: “Cho đến nay, các mức thuế ưu đãi hiện tại được xác định bởi chất lượng của mối quan hệ chính trị giữa hai nước. Nếu hai bên có quan hệ chính trị tốt, chúng tôi sẽ có được mức giá tốt. Khi mối quan hệ chính trị xấu đi, tình hình có thể trở nên nguy hiểm và giá cả có thể tăng lên”.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo iwpr.net)
Nga chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý với phương Tây
Nga chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý với phương Tây

Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý quy mô lớn với phương Tây nhằm ngăn chặn Mỹ cùng đồng minh chiếm đoạt tài sản bị phong tỏa trị giá 300 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và trao chúng cho Ukraine.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN