Động thái này được thực hiện trong bối cảnh các phần tử ly khai kêu gọi biểu tình trước văn phòng của Tổ chức giám sát viên quân sự Liên hợp quốc (UNMOGIP) để phản đối quyết định của Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ quyền tự trị của bang Jammu-Kashmir.
Văn phòng UNMOGIP, được lập tại Srinagar vào năm 1949 sau khi cuộc chiến đầu tiên về Kashmir nổ ra giữa Ấn Độ với Pakistan, có nhiệm vụ giám sát việc hai quốc gia này thực hiện thỏa thuận ngừng bắn dọc theo biên giới. Hiện tại, hàng chục cảnh sát bán quân sự đã được triển khai trên tuyến phố chính dẫn tới văn phòng của UNMOGIP tại Srinagar.
Lực lượng cảnh sát cũng đã phong tỏa hoạt động đi lại xung quanh khu vực này, đặt chốt chặn tại nhiều tuyến đường, lối vào khu phố cổ, nơi người biểu tình thường tập trung. Ô tô của cảnh sát liên tục tuần tra khắp đường phố, thông báo lệnh giới nghiêm và khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. Nhiều cửa hàng tại Srinagar vẫn đóng cửa, trừ một số cửa hàng cung cấp đồ nhu yếu phẩm.
Đây là lần đầu tiên, các phần tử ly khai đòi tách Kashmir khỏi Ấn Độ kêu gọi biểu tình kể từ khi Chính phủ Ấn Độ hủy bỏ quyền tự trị bang Jammu-Kashmir ngày 5/8.
Trước đó, biểu tình bạo lực bùng phát tại nhiều nơi ở Srinagar trong vòng 2 tuần qua với sự tham gia của hàng trăm người. Theo thống kê tại hai bệnh viện lớn tại Kashmir, ít nhất 152 người biểu tình đã bị trúng đạn hơi cay của cảnh sát.
Ngày 5/8, Chính phủ Ấn Độ đã công bố sắc lệnh bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu-Kashmir, đồng thời trình dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu-Kashmir, viện dẫn các hoạt động khủng bố xuyên biên giới trong bang Jammu-Kashmir.
Pakistan đã phản đối quyết định trên của Chính phủ Ấn Độ, đồng thời cho biết sẽ trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bản kiến nghị chỉ trích Ấn Độ vì quyết định bãi bỏ quy chế đặc biệt của vùng lãnh thổ Kashmir do New Delhi kiểm soát.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.