Năm 2013, Ấn Độ đã trở thành khách hàng nước ngoài lớn nhất trên thị trường vũ khí Mỹ với tổng giá trị nhập khẩu thiết bị quân sự từ Mỹ lên tới 1,9 tỷ USD.
Phóng viên TTXVN tại New Dehli dẫn tờ “Financial Times” ngày 25/2 cho biết, Ấn Độ đã “soán ngôi” của Saudi Arabia trở thành khách hàng “trung thành nhất” của Mỹ.
Máy bay vận tải chiến lược C-17A. |
Chỉ trong 4 năm từ 2009 đến 2013, giá trị nhập khẩu vũ khí từ Mỹ của Ấn Độ đã tăng vọt từ 237 triệu USD lên 1,9 tỷ USD. Trong số các thiết bị mà Ấn Độ mua của Mỹ có cả máy bay vận tải chiến lược C-17A và máy bay tuần tra trên biển P-8I.
Bên cạnh đó, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, Ấn Độ chiếm gần 10% thị trường quốc phòng toàn cầu trị giá 63 tỷ USD.
Về giá trị xuất khẩu vũ khí, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới với tổng giá trị trong năm 2013 đạt 25,2 tỷ USD. |
Từ năm 2010, Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Năm 2013, tổng giá trị nhập khẩu thiết bị quốc phòng của Ấn Độ lên tới 5,9 tỷ USD. Mặc dù đã nỗ lực tự chế tạo các hệ thống vũ khí công nghệ cao, song Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu, chiếm hơn một nửa ngân sách trang bị quốc phòng.
Trong tuyên bố đưa ra đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony thông báo nước này sẽ không thể mua vũ khí với số lượng lớn cho tới tài khóa tiếp theo, bắt đầu từ ngày 1/4 tới, do đã sử dụng gần hết ngân sách của năm nay. Việc này khiến một số thỏa thuận trước đó của Ấn Độ với các nhà xuất khẩu vũ khí phương Tây chưa thể được giải quyết.
Ngoài Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông cũng tăng cường nhập khẩu thiết bị quân sự với tổng giá trị chiếm 1/3 thị trường vũ khí toàn cầu. Theo thống kê, tổng giá trị nhập khẩu vũ khí của Saudi Arabia, Oman và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) là 9,3 tỷ USD, cao hơn con số 8,7 tỷ USD của toàn bộ Tây Âu.
TTXVN/Tin tức