Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, trong một thông báo với truyền thông, bộ trên cũng đề nghị Pakistan đảm bảo an toàn cho phi công trên đồng thời mong muốn phi công này được trở về Ấn Độ ngay lập tức và an toàn.
Trước đó cùng ngày Pakistan đã công bố băng hình một phi công Ấn Độ bị bắt giữ sau khi Pakistan bắn hạ 2 máy bay và bắt giữ phi công Ấn Độ. Trong clip được Pakistan đăng tải, một người mặc quân phục của không quân Ấn Độ với số hiệu cho biết anh ta tên Abhinandan Varthaman.
Căng thẳng giữa Pakistan và Ấn Độ tiếp tục tăng cao sau khi New Delhi ngày 26/2 xác nhận đã tiến hành không kích một trại huấn luyện của nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammad (JeM) nằm ở khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nêu rõ quyết định không kích dựa trên việc Pakistan chưa có hành động chống các nhóm khủng bố, cũng như nguồn tin đáng tin cậy rằng JeM đang lên kế hoạch tiến hành các vụ tấn công tại Ấn Độ. Đến ngày 27/2, quân đội Pakistan cũng tuyên bố lực lượng không quân nước này đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của Ấn Độ và bắt giữ một phi công.
Trước những diễn biến trên, nhiều nước tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nam Á, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế.
Ngày 27/2, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã điện đàm với người đồng cấp Pakistan Shah Mahmood Qureshi, trong đó ông Zarif đề xuất Tehran đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Ấn Độ và Pakistan.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Zarif đã hối thúc cả New Delhi và Islamabad kiềm chế. Dự kiến, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran cũng sẽ có cuộc trao đổi với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj.
Nước láng giềng Nam Á Nepal cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến xấu trong mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai bên giảm căng thẳng và bình thường hóa tình hình thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.
Cùng ngày, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Pakistan Qureshi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước tình hình căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sau khi hai nước cáo buộc nhau bắn hạ tiêm kích chiến đấu của mỗi bên. Ông "bày tỏ hy vọng cả Pakistan và Ấn Độ sẽ kiềm chế và thực thi một cách nghiêm túc các cam kết để ngăn chặn tình hình leo thang", đồng thời khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước cần được tôn trọng.
Về phần mình, Ngoại trưởng Qureshi thông báo cho người đồng cấp Vương Nghị về những diễn biến mới nhất của cuộc xung đột và bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp vai trò mang tính xây dựng nhằm xoa dịu căng thẳng.
Từ Washington, giới chức Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng cảnh báo những nguy cơ tiềm tàng liên quan tới hành động quân sự đang tăng cao đối với cả hai nước, các quốc gia láng giềng và cả cộng đồng quốc tế. Mỹ hết sức quan ngại về căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai bên ngay lập tức thực hiện các bước đi nhằm giảm nhiệt căng thẳng.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc thông báo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đang tập trung vào việc giảm leo thang căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai nước tránh tiến hành thêm các hành động quân sự.
Tương tự, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cùng ngày cho biết nước này hết sức quan ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời hối thúc hai bên kiềm chế tối đa. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao bền vững và duy trì hòa bình cũng như an ninh trong khu vực.
Đức cũng đã hối thúc Ấn Độ và Pakistan đối thoại và cho rằng cả hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này đều có trách nhiệm tránh làm tình hình leo thang hơn nữa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr khẳng định hiện Berlin đang theo dõi sát các diễn biến ở khu vực Nam Á với "mối quan tâm lớn".
Trong khi đó, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách châu Á và Thái Bình Dương Mark Field đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan, đồng thời kêu gọi hai nước lập tức kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tình hình hiện nay.
Mối quan hệ giữa Pakistan và Ấn Độ đã xấu đi nhanh chóng sau vụ đánh bom xe ngày 14/2 nhằm vào lực lượng an ninh trên lãnh thổ Ấn Độ mà JeM đã thừa nhận tiến hành. Chính phủ Ấn Độ khẳng định "có bằng chứng không thể chối cãi" về sự dính líu của Pakistan trong vụ việc trên. Tuy nhiên, Pakistan bác bỏ mọi cáo buộc liên quan. Trong diễn biến mới nhất, Anh, Pháp và Mỹ đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) áp đặt trừng phạt thủ lĩnh JeM Masood Azhar. Nếu bị liệt vào danh sách khủng bố của LHQ, đối tượng này sẽ bị cấm đi lại trên toàn cầu và đóng băng tất cả tài sản.