Theo tờ Hindustan Times, các nhà khoa học của Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) hy vọng có thể đánh thức các mô-đun của tàu đổ bộ vào ngày 22/9, khi Mặt Trời mọc tại điểm Shivshakti – một địa điểm gần cực Nam mặt trăng nơi Chandrayaan-3 hạ cánh vào tháng 8.
Ông S. Somanath, người đứng đầu ISRO cho biết các nhà khoa học hy vọng có thể đánh thức thiết bị này để tiếp tục thu thập thêm dữ liệu. Các mục tiêu của sứ mệnh đã hoàn thành và các mô-đun đã được đưa vào chế độ ngủ từ ngày 2/9.
Tuy nhiên, cơ hội thành công dường như rất mong manh vì các thiết bị trên mô-đun khó có khả năng sống sót trong điều kiện nhiệt độ cực thấp vào ban đêm, có thể giảm xuống dưới -200 độ C ở cực Nam của Mặt Trăng. Con tàu cũng chỉ có thời gian thực hiện nhiệm vụ trong 1 ngày trên Mặt Trăng - tương đương 14 ngày Trái Đất.
Hệ thống pin trên tàu thăm dò đã được sạc đầy trước khi tàu dừng hoạt động và chuyển sang chế độ ngủ. Hệ thống pin này được cung cấp năng lượng bởi ánh sáng Mặt Trời. Các nhà khoa học Ấn Độ hy vọng rằng pin này sẽ giữ cho các thiết bị đủ ấm để tồn tại qua đêm. Các tàu vũ trụ được thiết kế để sống sót qua đêm trên Mặt Trăng thường được trang bị một số cơ chế sưởi ấm, song Chandrayaan-3 không có cơ chế này.
Sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng của Ấn Độ, được khởi động với chi phí khoảng 75 triệu USD, là thành công vĩ đại của quốc gia Nam Á này. Vào ngày 23/8, Chandrayaan-3 đã làm nên lịch sử khi hạ cánh gần cực Nam của Mặt Trăng - khu vực chứa băng nước, có thể khai thác và phân giải thành oxy và hydro để thở cũng như chế tạo nhiên liệu tên lửa. Vài ngày sau đó, con tàu đã xác nhận sự hiện diện của lưu huỳnh trong khu vực sau các cuộc thử nghiệm tại chỗ.
Hôm 20/9, thượng viện Quốc hội Ấn Độ đã nhất trí thông qua nghị quyết chúc mừng các nhà khoa học về sự thành công của sứ mệnh Chandrayaan-3.
Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar cho biết: “Ấn Độ không chỉ phát triển năng lực phóng vệ tinh của riêng mình mà còn mở rộng dịch vụ phóng vệ tinh cho các quốc gia khác. Có tới 424 vệ tinh nước ngoài đã được phóng cho đến nay”.
Phát biểu trước quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman cũng nói rằng thành công của Chandrayaan-3 sẽ có tác động lớn đến hệ sinh thái công nghệ và công nghiệp của Ấn Độ. Tiếp nối sứ mệnh Chandrayaan-3, Ấn Độ đã triển khai một sứ mệnh không gian khác – Aditya-L1 – để nghiên cứu Mặt Trời.