Theo tờ DW (Đức), ngày 4/6, Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ cho biết một trục trặc trong hệ thống tín hiệu điện tử có khả năng gây ra vụ tai nạn, nhưng lưu ý các chi tiết sẽ được tiết lộ trong một báo cáo cuối cùng. Đến nay, ít nhất 288 người đã thiệt mạng trong thảm kịch đường sắt ở Balasore, bang Odisha.
Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết vụ tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ là do "sự thay đổi xảy ra trong quá trình khóa liên động điện tử". Thuật ngữ kỹ thuật này đề cập đến một hệ thống tín hiệu phức tạp sắp xếp chuyển động của các đoàn tàu trên đường ray để ngăn chúng va chạm với nhau.
Bộ trưởng Ashwini nói thêm rằng việc cung cấp thêm chi tiết về nguyên nhân vụ tai nạn trước khi có báo cáo điều tra cuối cùng là "không phù hợp".
Ông Ashwini cho biết một trục trặc với hệ thống tín hiệu điện tử đã khiến một đoàn tàu chuyển nhầm đường ray. "Ai đã làm điều đó và lý do là gì sẽ được điều tra", ông nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với mạng truyền hình New Delhi.
Thảm kịch xảy ra vào lúc 19h ngày 2/6 theo giờ địa phương. Các báo cáo địa phương cho thấy, tàu chở khách tốc độ cao Coromandel Express đã nhận được tín hiệu đi vào đường ray chính. Tín hiệu sau đó đã được rút lại, thay vào đó, đoàn tàu đi vào một đường vòng liền kề, đâm vào đoàn tàu thứ hai đang chở hàng.
Cú va chạm khiến một số toa trên đoàn tàu chở khách đầu tiên lật sang một đường ray khác, và bị đoàn tàu thứ ba đang chạy tới, trên tuyến chở khách Yesvantpur-Howrah Express, đâm vào.
Hai đoàn tàu khách chở hơn 2.000 người.
Biên bản kiểm tra liên ngành của các giám sát viên cũng ghi rõ rằng tín hiệu xanh đã được cấp cho tàu Coromandel Express để đi qua tuyến chính được chỉ định, và sau đó tín hiệu này đã bị tắt. Tuy nhiên, tàu đã đi vào đường vòng, đâm vào một đoàn tàu chở hàng đang đứng yên và trật bánh. Trong khi đó, tàu tốc hành siêu tốc từ Yashwantpur đi ngược lại đã đâm phải tàu Coromandel.
Đến nay, nhà chức trách Ấn Độ thông báo có ít nhất 288 người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương. Con số này có nguy cơ tiếp tục tăng cao do vẫn còn nhiều người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Ngày 3/6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thị sát hiện trường vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng nói trên, và đánh giá các hoạt động cứu trợ và khôi phục đường ray, đồng thời khẳng định những người liên đới trong vụ việc sẽ bị trừng trị nghiêm minh.
Bộ trưởng Ashwini cũng cho biết trọng tâm của các cơ quan chức năng vào lúc này là khôi phục các dịch vụ đường sắt, nhằm mục đích khôi phục trạng thái bình thường vào sáng 8/6.
Theo tờ Guardian, vụ tai nạn xảy ra vào thời điểm Thủ tướng Narendra Modi đang tập trung vào việc hiện đại hóa mạng lưới đường sắt từ thời Ấn Độ còn là một thuộc địa của Anh và nay trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,42 tỷ người. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện an toàn đường sắt, hàng năm vẫn có hàng trăm vụ tai nạn xảy ra trên mạng lưới đường sắt Ấn Độ.
Năm 1995, hai đoàn tàu đã va chạm gần New Delhi, khiến 358 người thiệt mạng trong một trong những vụ tai nạn tàu hỏa tồi tệ nhất ở Ấn Độ. Năm 2016, một đoàn tàu chở khách trượt khỏi đường ray giữa thành phố Indore và Patna, khiến 146 người thiệt mạng.
Hầu hết các vụ tai nạn tàu hỏa ở Ấn Độ đều do lỗi của con người hoặc thiết bị phát tín hiệu lỗi thời. Mỗ ngày có hơn 12 triệu người là hành khách trên 14.000 chuyến tàu trên khắp Ấn Độ, di chuyển trên 64.000km đường ray.