Tuy nhiên, thông tin Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất - đã ghi nhận hơn 100 triệu người được chủng ngừa đã phần nào mang lại những tín hiệu khả quan trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh trên thế giới, ngay cả khi các chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh, đã buộc nhiều nước tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, trong đó có các nước châu Âu. Italy bắt đầu mùa lễ Phục sinh trong phong tỏa từ ngày 3/4, với toàn bộ đất nước được đặt trong "vùng đỏ" vào thời điểm các gia đình sum họp.
Tại Tòa thánh Vatican, chỉ một số ít người dân theo dõi Giáo hòa Francis chủ trì buổi lễ "Con đường của Thánh giá" tại một thánh đường vắng lặng ở quảng trường St.Peter, khi các biện pháp hạn chế chống dịch cấm các cuộc tụ tập đông người. Các biện pháp hạn chế mới cũng có hiệu lực từ ngày 3/4 tại Pháp, nơi nhà chức trách đang chật vật đối phó với số ca nhiễm mới tăng vọt, khiến các bệnh viện ở thủ đô bị quá tải. Các biện pháp hạn chế cũng được tăng cường tại các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Đức với việc Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi mọi người hạn chế tiếp xúc và tụ tập đông người trước và trong dịp nghỉ lễ.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các biện pháp hạn chế tương tự cũng đã được áp đặt tại Ontario và Quebec, hai tỉnh bảng đông dân nhất Canada, trước thềm lễ Phục sinh.
Tuy nhiên, khác với quang cảnh đìu hiu năm ngoái, năm nay vẫn có một lượng khách khiêm tốn tới khu thành cổ của Jerusalem khi một số địa điểm chính mở cửa cho khách du lịch nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công của Israel.
Trong khi đó, một trong những đợt bùng phát dịch COVID-19 tồi tệ nhất đang hoành hành tại Brazil, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca mắc và tử vong do COVID-19. Brazil cũng là tâm dịch tại khu vực Mỹ Latinh, nơi ghi nhận số ca mắc đã tăng vọt lên hơn 25 triệu ca. Tình hình dịch bệnh tại Brazil cũng khiến những nước láng giềng vốn cũng đang chật vật chống dịch không khỏi lo ngại. Peru đã bước vào dịp nghỉ lễ Phục sinh cùng với lệnh phong tỏa, trong khi Chile đóng cửa tất cả biên giới. Ecuador thông báo áp đặt thêm các biện pháp hạn chế chống dịch mới, trong khi Bolivia đóng cửa biên giới với Brazil. Tại Argentina, Tổng thống Alberto Fernandez thông báo đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,8 triệu người trên toàn thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, Mỹ, nước chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất, đã trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine cho hơn 100 triệu người - tương đương 30% dân số nước này và 50% người trưởng thành. Mặc dù vậy, số ca mắc tăng lên ở một số khu vực của nước Mỹ. Bất chấp chiến dịch tiêm chủng đạt thành công, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn kêu gọi người dân cảnh giác và đeo khẩu trang, cũng như thực hiện các biện pháp chống dịch khác để phòng tránh lây nhiễm.