Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (86.586 ca), Ấn Độ (81.441 ca) và Mỹ (trên 72.700 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (3.398 ca), Mỹ (908 ca) và Ba Lan (621 ca).
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp trên thế giới và chỉ còn vài ngày nữa là châu Âu bước vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh và 2 tuần nữa là tới tháng Ramadan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo người dân các nước không nên tụ tập đông người, hay đi du lịch do tại nhiều nước, số ca mắc mới bệnh COVID-19 tiếp tục tăng mạnh, buộc chính phủ phải đưa ra quyết định phong tỏa hoặc đóng cửa trở lại.
Theo văn phòng đại diện WHO tại châu Âu, việc đi du lịch vào dịp lễ Phục sinh sắp tới có thể ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều cộng đồng. Trong thông cáo báo chí ngày 31/3, WHO nêu rõ nhiều quốc gia tại châu Âu đang chứng kiến số ca mắc mới COVID-19 tăng nhanh và trong tình huống như vậy, không ai được phép lơ là hay chủ quan với mọi biện pháp y tế công cộng hay bảo vệ bản thân đang được áp dụng nhằm chống dịch hiện nay.
WHO cho rằng kỳ nghỉ vào mùa Xuân năm nay sẽ có sự khác biệt, lễ Phục sinh vẫn có thể diễn ra nếu các biện pháp bảo vệ và đề phòng được thực hiện nghiêm túc. WHO khuyến cáo bất kể ở đâu, các sự kiện hành lễ nên được tổ chức ngoài trời, hạn chế số lượng người tham dự và thời gian tập trung trong nhà, giữ khoảng cách, đảm bảo thông gió, rửa tay và sử dụng khẩu trang là yếu tố quyết định giảm nguy cơ phơi nhiễm COVID-19. WHO nhấn mạnh các cuộc tụ họp trong nhà tiềm ẩn rủi ro cao.
Lễ Phục sinh năm nay rơi vào Chủ nhật ngày 4/4 và tháng lễ Ramadan của tín đồ Hồi giáo bắt đầu vào ngày 13/4 tới.
Châu Âu
Đức: Thủ đô Berlin chuẩn bị áp đặt trở lại các lệnh giới nghiêm
Ngày 1/4, truyền thông Đức đưa tin thủ đô Berlin chuẩn bị khôi phục lệnh cấm các hoạt động tập trung đông người vào ban đêm và giảm số trẻ em tại các nhà trẻ từ tuần tới nhằm ứng phó với làn sóng dịch bệnh thứ 3 ở nước này.
Trong vài ngày qua, thời tiết tại Berlin đang chuyển ấm và người dân thủ đô lại tập trung tại các khu vực công cộng để nghỉ ngơi và tổ chức tiệc tùng. Thực tế này làm dấy lên quan ngại dịch bệnh có thể lây lan ở nhóm người trẻ tuổi sau khi các trường học dần mở cửa trở lại vào tháng trước.
Hiệp hội các cơ quan y tế và đơn vị chăm sóc đặc biệt cho rằng Đức cần áp đặt lệnh phong tỏa trong 2 tuần, đẩy mạnh chương trình tiêm chủng và tiến hành xét nghiệm tại các trường học.
Theo đề xuất, người dân Berlin, ngoại trừ trẻ em dưới 14 tuổi, được phép ở ngoài đường một mình hoặc cùng 1 người khác trong khoảng thời gian từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau. Từ 6/4, người dân thành phố này chỉ được phép tiếp 1 khách tại nhà riêng, thắt chặt so với quy định hiện hành là nhóm 5 người từ 2 gia đình có thể gặp gỡ, tiếp xúc. Đây sẽ là lệnh giới nghiêm ban đêm đầu tiên mà Berlin áp đặt kể từ khi dịch bùng phát tại quốc gia châu Âu này.
Tính đến nay, Đức ghi nhận 2,85 triệu ca nhiễm, trong đó riêng 24 giờ qua có thêm 23.802 ca nhiễm.
Pháp có thể chạm đỉnh dịch vào cuối tháng 4
Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng làn sóng thứ 3 của dịch COVID-19 ở nước này có thể chạm đỉnh điểm trong 7 đến 10 ngày tới nhờ lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 được Tổng thống Emmanuel công bố ngày 30/3.
Theo ông Veran, số bệnh nhân COVID-19 cần điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt có thể lên mức cao nhất vào cuối tháng 4, nếu đúng theo dự liệu của chính phủ nước này khi thực hiện lệnh phong tỏa.
Từ tháng 2/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Pháp đã tăng gấp 2 lần, lên mức trung bình gần 40.000 ca/ngày. Số bệnh nhân COVID-19 cần chăm sóc đặc biệt đã lên tới 5.000 người trong tuần này, vượt mức đỉnh dịch khi Pháp áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong 6 tuần hồi cuối năm ngoái.
Theo thông báo mới nhất của Thủ tướng Pháp ngày 1/4, nước này sẽ cấm bán đồ uống có cồn tại các công viên và khu vực công cộng ngoài trời, trong khi các trường học cũng buộc phải đóng cửa trong thời gian thực hiện lệnh phong tỏa toàn quốc.
Italy kéo dài các biện pháp hạn chế
Chính phủ Italy đã thông qua một sắc lệnh, theo đó gia hạn các biện pháp hạn chế để phòng chống đại dịch COVID-19 tại nước này đến hết tháng 4, trong đó có việc đóng cửa các nhà hàng, cửa hàng và bảo tàng.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cho hay nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu cải thiện và tiến trình tiêm vaccine khả quan, chính phủ sẽ cân nhắc nới lỏng những biện pháp mới. Theo sắc lệnh mới, các trường học ở cấp thấp hơn được phép mở cửa trở lại và nhân viên y tế phải tiêm vaccine. Chính phủ sẽ có biện pháp can thiệp trong trường hợp nhân viên y tế từ chối tiêm vaccine, trong đó có việc luân chuyển công tác và ngừng chi trả lương.
Chính phủ Italy đã áp đặt các biện pháp phòng dịch mới từ ngày 15/3 vừa qua tại 75% lãnh thổ. Nước này đã ghi nhận 23.904 ca mắc mới và 467 ca tử vong trong ngày 31/3. Tổng số bệnh COVID-19 tại Italy hiện là trên 3,6 triệu ca, trong đó có 109.847 người đã tử vong.
Hy Lạp nới lỏng kiểm soát dịch bệnh bất chấp số ca mắc mới gia tăng
Tại Hy Lạp, chính phủ nước này thông báo sẽ mở cửa trở lại hầu hết các cửa hàng và nới lỏng các biện pháp phòng dịch bất chấp tỷ lệ lây nhiễm và tử vong vẫn ở mức cao. Theo quyết định mới, tất cả cửa hàng, ngoại trừ trung tâm thương mại, sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 5/4 tới. Người dân được di chuyển bằng ô tô trên quãng đường ngắn trong ngày cuối tuần, tham gia các hoạt động ngoài trời với nhóm không quá 3 người.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Hy Lạp ghi nhận 3.483 ca mắc mới và 67 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Cho tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 267.172 ca mắc, trong đó có 8.160 ca tử vong.
Châu Mỹ
Đại dịch là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 tại Mỹ trong năm 2020
Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 tại Mỹ trong năm 2020. Đây là kết luận vừa được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ công bố.
Theo báo cáo của CDC, trong năm 2020, tim mạch đã cướp đi cuộc sống của 690.000 người dân Mỹ, trong khi số người tử vong do ung thư là 598.000 người. COVID-19 là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 tại nước này với 345.000 người.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở những người trên 85 tuổi, người da màu, người Mỹ bản địa và nam giới. Tỷ lệ này thấp nhất ở độ tuổi từ 1-4 và 5-14.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky cho biết căn cứ theo tình hình dịch bệnh hiện nay, những tác động trên của đại dịch vẫn chưa thể chấm dứt trong năm 2021.
Cũng theo CDC, đã có tất cả 3.358.814 người Mỹ qua đời trong năm 2020.
Canada: Tỉnh bang Ontario chuẩn bị áp đặt trở lại các lệnh giới nghiêm
Tỉnh bang Ontario đông dân nhất của Canada chuẩn bị quay trở lại tình trạng phong tỏa sau khi ghi nhận số ca nhiễm SARS-CoV-mới 2 tăng đột biến trong thời gian gần đây.
Kênh truyền hình CBC và CTV đưa tin Thủ hiến tỉnh bang Doug Ford sẽ công bố quyết định tái áp đặt lệnh phong tỏa tại địa phương này trong 28 ngày, bắt đầu từ ngày 3/4.
Trong 1 tuần qua, mỗi ngày, Ontario ghi nhận 2.000 ca nhiễm mới, tăng gấp 2 lần so với đầu tháng 3. Trong ngày 31/3, tỉnh bang này ghi nhận số bệnh nhân COVID-19 phải điều trị trong các phòng chăm sóc đặc biệt lên tới 421 ca, tương đương mức đỉnh địch hồi tháng 1/2021.
Một khi lệnh phong tỏa được khôi phục, các dịch vụ thiết yếu vẫn sẽ được mở cửa với công suất hoạt động đạt 50%, trong khi các cửa hàng kinh doanh đồ không thiết yếu sẽ giảm công suất hoạt động còn 25%. Các phòng tập thể thao và cửa hiệu làm tóc sẽ phải đóng cửa. Mặc dù vậy, dự kiến các trường học sẽ được mở cửa cho đến ngày 12/4.
Tới nay, Canada ghi nhận trên 986.000 ca nhiễm, bao gồm 23.000 ca tử vong do COVID-19.
Hơn 40% dân số Argentina sống trong đói nghèo do đại dịch COVID-19
Kinh tế suy giảm do tác động của dịch COVID-19 đã đẩy nhiều người dân Argentina vào cảnh nghèo đói. Theo số liệu chính thức do Viện thống kê và điều tra quốc gia Argentina (INDEC) công bố ngày 31/3, khoảng 12 triệu người dân tại các khu vực thành thị không đủ khả năng mua thực phẩm cơ bản hoặc tiếp cận dịch vụ thiết yếu trong 6 tháng cuối năm 2020.
Nghiên cứu của INDEC cho thấy tại 31 thành phố lớn của Argentina, tỷ lệ nghèo đói đã tăng từ 40,9% trong nửa đầu năm 2020 lên mức 42% trong 6 tháng còn lại. Mức này cũng cao hơn 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Một hộ gia đình 4 người được xếp vào mức nghèo đói khi không đủ khả năng đảm bảo rổ thực phẩm và các dịch vụ có tổng giá trị khoảng 600 USD. Trong khi đó, những người có thu nhập dưới 250 USD, mức đảm bảo được rổ thực phẩm cơ bản cho gia đình, được xếp vào nhóm bần cùng. Có tới 10,5% dân số Argentina nằm trong nhóm này. Số liệu cũng cho thấy hơn 57% trẻ em dưới 14 tuổi tại quốc gia Nam Mỹ này sống trong nghèo đói.
Những con số thống kê này cho thấy Argentina quay trở lại thời kỳ suy thoái của 3 năm trước đây và tình hình càng xấu đi khi kinh tế đi xuống do tác động của các biện pháp kiểm soát dịch. Theo INDEC, tỷ lệ lạm phát tại nước này trong năm 2020 lên tới 36,1%, chỉ đứng sau Venezuela tại khu vực Mỹ Latinh. Trong khi thu nhập của người dân giảm, giá hàng hóa và thực phẩm lại tăng. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này đang ở mức hơn 10%.
Argentina từng ghi nhận tỷ lệ nghèo đói lên tới mức cao nhất là 58% trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất tại nước này hồi cuối năm 2002.
Châu Á
Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 5 tháng qua
Ấn Độ thông báo đã có thêm 81.441 người mắc COVID-19 - mức cao nhất từ ngày 11/10/2020, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên hơn 12,3 triệu người.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ cũng ghi nhận thêm 468 trường hợp tử vong. Tổng số ca tử vong tại nước này là 163.428 trường hợp. Hiện Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng bởi đại dịch lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Brazil.
Ngày 1/4, Ấn Độ đã bắt đầu giai đoạn 3 của chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, theo đó chủng ngừa cho hàng chục nghìn người từ 45 tuổi trở lên. Đây được xem là nỗ lực lớn nhất của Ấn Độ nhằm ngăn chặn tình trạng số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở nước này.
Ấn Độ, nước có số dân đông thứ 2 thế giới, đặt mục tiêu chủng ngừa cho 400 triệu người sau khi mở rộng chương trình tiêm chủng vốn đang tập trung cho những người từ 60 tuổi trở lên và người có tình trạng sức khỏe nghiêm trọng.
Ấn Độ đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 1 vừa qua, trong đó ưu tiên các nhân viên y tế, sau đó đến những người cao tuổi, những nhóm đối tượng mà nước này cho là dễ bị tổn thương nhất và cần được bảo vệ trước tiên.
Sau khi Ấn Độ mở cửa trở lại các cơ sở kinh doanh và dỡ bỏ những hạn chế đi lại, số ca nhiễm mới theo ngày ở nước này đã tăng gấp 4 lần.
Nhật Bản áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm từ ngày 5/4
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại 3 địa phương là Osaka, Hyogo và Miyagi.
Quyết định trên được công bố vào cuối ngày 1/4, sau cuộc họp tại Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản dưới sự chủ trì của Thủ tướng Yoshihide Suga cùng Bộ trưởng Bộ Tái thiết kinh tế Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Norihisa Tamura. Theo đó, 3 địa phương nói trên sẽ triển khai các biện pháp trọng điểm nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 5/4.
Khu vực áp dụng là thành phố Osaka thuộc phủ Osaka, các thành phố Kobe, Nishinomiya, Amagasaki, Ashiya của tỉnh Hyogo và thành phố Sendai tỉnh Miyagi.
Các biện pháp cụ thể là giới hạn thời gian kinh doanh của các nhà hàng ăn uống tối đa đến 20 giờ, hạn chế sử dụng dịch vụ karaoke; hạn chế số người tham gia các sự kiện ở mức tối đa là 5.000 người; tăng cường làm việc từ xa.
Hàn Quốc sẵn sàng triển khai hệ thống cấp chứng nhận tiêm vaccine
Hàn Quốc sẽ triển khai hệ thống cấp chứng nhận kỹ thuật số thông qua ứng dụng điện thoại thông minh để cung cấp thông tin về tình trạng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của người dân. Đây là tuyên bố mới được Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đưa ra trong bối cảnh chính phủ nỗ lực khuyến khích người dân đi tiêm phòng.
Phát biểu trong cuộc họp liên ngành về ứng phó đại dịch COVID-19, Thủ tướng Hàn Quốc cho rằng sau khi các hệ thống "thẻ xanh" hay "hộ chiếu vaccine" được đưa vào áp dụng, người dân nước này sẽ có thể cảm nhận nhịp sống bình thường trở lại. Với mục tiêu đó, thời gian qua, Chính phủ Hàn Quốc đã gấp rút hoàn thiện phát triển hệ thống cấp chứng nhận tiêm phòng thông qua ứng dụng điện thoại di động cũng như chuẩn bị các kế hoạch đưa hệ thống vào sử dụng trong tháng này.
Theo Thủ tướng Chung Sye-kyun, hệ thống này dựa trên công nghệ chuỗi số (blockchain) để tăng cường bảo mật thông tin, tránh bị đánh cắp định danh. Ông cho biết ở các quốc gia khác, các hệ thống cấp chứng nhận vaccine cũng không lưu trữ thông tin cá nhân mà chỉ bao gồm những thông tin nêu rõ tình trạng tiêm phòng của người dân.
Hiện Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 103.639 ca mắc bệnh COVID-19, với số ca mắc mới mỗi ngày khoảng 500 ca trong những ngày gần đây.