Theo nghiên cứu đăng ngày 31/3 trên tạp chí Lancet, số ca thai lưu và tử vong ở bà mẹ tăng gần 1/3 trên toàn cầu.
Theo dữ liệu tổng hợp từ 40 nghiên cứu tại 17 quốc gia, số phụ nữ cần phẫu thuật vì thai ngoài tử cung tăng gần 6 lần từ tháng 1/2020 tới tháng 1/2021. Đây là tình trạng trứng được thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung mà nếu không điều trị có thể gây chảy máu chết người.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học London thuộc Đại học St.George xác định rằng nhiều vấn đề nói trên có thể bắt nguồn từ việc phụ nữ không được tiếp cận chăm sóc y tế trong đại dịch. Các bệnh viện quá tải vì bệnh nhân COVID-19 và một số thai phụ ngại gặp bác sĩ do sợ mắc COVID-19.
Theo 6 trong 10 nghiên cứu được đánh giá, số phụ nữ gặp triệu chứng trầm cảm gia tăng. Tỷ lệ lo âu ở bà mẹ cũng tăng.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Asma Khalil, giáo sư sản khoa tại Đại học London, nói: “Nghiên cứu cho thấy tình trạng gián đoạn do dại dịch đã khiến cả bà mẹ và trẻ tử vong vì nguyên nhân có thể tránh được, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình”. Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi các nhà lập pháp và lãnh đạo ngành y tế ưu tiên chăm sóc các thai phụ trong hành động chiến lược với đại dịch nhằm giảm tác động tiêu cực tới các thai phụ khắp thế giới”.
Tiến sĩ Denise Jamieson gọi kết quả nghiên cứu này là đáng lo ngại. Ông nói: “Nghiên cứu cho thấy bằng chứng thuyết phục rằng ảnh hưởng của đại dịch đã vượt quá ảnh hưởng của việc lây nhiễm COVID-19. Nó cho thấy tác động tiêu cực sâu sắc tới sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ còn kéo dài sau đại dịch”.
Đây là đặc điểm đã từng xảy ra. Khi có bệnh truyền nhiễm khiến nguồn lực y tế bị tiêu hao nặng nề, ảnh hưởng tới phần lớn dân số thì bà mẹ và trẻ em sẽ bị tác động.
Trên toàn cầu, chỉ có một tỷ lệ không thay đổi nhiều là số ca sinh non. Tỷ lệ này ổn định ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, dữ liệu từ các quốc gia thu nhập cao cho thấy số ca sinh non giảm 10%. Hiện chưa rõ tại sao.