Trước đó, để đối mặt với việc thiếu ngân sách do giá dầu giảm và theo yêu cầu của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika về việc không vay nợ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tài chính công, hồi tháng 9 năm ngoái, Chính phủ Algeria đã thông qua kế hoạch triển khai chính sách tiền tệ phi truyền thống.
Tuy nhiên, các đảng đối lập và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chỉ trích kế hoạch tài chính này vì nó chủ yếu sử dụng việc in tiền trong thời hạn 5 năm để trả nợ công và thanh toán lương cho cán bộ công chức và người về hưu, đồng thời khởi động lại nhiều dự án để vực dậy nền kinh tế nước này.
Theo các đảng đối lập, kế hoạch trên chỉ giúp Algeria tạm thời tránh được những ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính, nhưng nó sẽ làm gia tăng tỷ lệ lạm phát, làm giảm sức mua và khiến cho đồng tiền quốc gia bị mất giá. Bộ trưởng Tài chính Algeria Abderrahmane Raouya cho hay trong năm qua, số tiền mà chính phủ cần Kho bạc Nhà nước cung cấp là 570 tỷ Dinar (4,86 tỉ USD). Trong năm nay, số tiền này đã tăng lên 1.815 tỷ Dinar (15,39 tỷ USD) và sẽ lên tới 580 tỷ Dinar (4,92 tỷ USD) vào năm 2019.