Sự nổi lên nhanh chóng của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq đã gây ra tổn thất về nhân mạng quá lớn tại một đất nước đã phải trải qua hơn một thập niên chiến tranh. Bên cạnh sự tàn bạo mà IS gây ra tại Syria, nhóm Hồi giáo cực đoan này đã tàn sát hàng trăm người Iraq, chủ yếu là những người không theo dòng Sunni và đẩy hàng trăm nghìn người khác vào cảnh tha hương.
Trong con mắt những chuyên gia kỳ cựu về khu vực, IS đồng thời còn là một hình mẫu mới, đáng quan ngại về một nhóm Hồi giáo cực đoan, với một mô hình cung cấp tài chính có tính bền vững có cơ sở là các nguồn thu từ địa phương. Nguồn thu đó đến từ một hệ thống thuế sơ khai (như jizya - một loại thuế đặc biệt theo luật Sharia đánh vào những người không theo đạo Hồi), kết hợp với hoạt động tống tiền, cướp bóc, bắt cóc đòi tiền chuộc và sự mở rộng kiểm soát các nguồn tài nguyên khác tại Syria và phía tây, bắc Iraq. Nhờ đó, IS đã xây dựng được nền tảng quyền lực theo cách mà ngay cả trùm khủng bố Osama Bin Laden cũng phải “mơ ước”.
Lực lượng IS, từng được biết tới là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL), hay Da’sh trong tiếng Arập, là một chân rết của mạng lưới Al-Qaeda tại Iraq, hình thành nhờ khoảng trống về an ninh sau khi Mỹ xâm lược Iraq và lật đổ Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2003. Như đã biết vào tháng 3/2013, IS chiếm thành phố Raqqa, miền bắc Syria và thiết lập trụ sở chính tại đây. Đến tháng 1/2014, IS đánh bật quân đội Iraq ở một số khu vực phía tây tỉnh Anbar và tới tháng 6, khu vực kiểm soát của IS đã trải dài từ Syria tới các thành phố chính của Iraq như Mosul và Tikrit. Đa số giới chuyên gia cho rằng IS có khoảng 3.000 - 10.000 chiến binh, nhưng lực lượng này được cho là đang tăng lên cùng với những thành công trên chiến trường.
Các "nhà hảo tâm" vùng Vịnh
Theo nhiều nguồn tin, các nguồn tài trợ từ bên ngoài cho IS đến từ một số nhà tài trợ tư nhân trong khu vực vùng Vịnh, thông thường qua kênh Kuwait - nước được cho là kiểm soát việc cung cấp tài chính cho các nhóm cực đoan lỏng lẻo hơn so với Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).
Bức ảnh do IS công bố được cho là đã hành quyết hàng chục nhân viên an ninh Iraq tại một địa điểm bí mật ở tỉnh Salaheddin, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN |
Mặc dù giới phân tích nhất trí rằng không có bằng chứng về việc có một quốc gia nào đó tài trợ trực tiếp cho IS nhưng giáo sư Gregory Gause - Trưởng khoa Quốc tế của trường Đại học Texas A&M - cho rằng có một số “bằng chứng gián tiếp trong vài năm qua về việc Hoàng thân Bandar (người đứng đầu Hội đồng an ninh quốc gia, cựu Giám đốc tình báo của Saudi Arabia) đã hậu thuẫn cho các nhóm (Hồi giáo) Salafi như Ahrar al-Sham”. Vẫn theo vị giáo sư này, trong khi về mặt tổ chức, khi các nhóm này tách khỏi IS thì “ranh giới giữa chúng là rất mờ nhạt nhưng vẫn có sự liên hệ nào đó”. Do vậy, tiền của một số quan chức Saudi Arabia có thể cuối cùng vẫn tới được túi của IS.
Nhưng IS không chỉ sống nhờ viện trợ. Ở cả Iraq và Syria, IS hiện đang gia tăng việc kiểm soát số lượng lớn các nguồn tài nguyên và nhờ đó, lực lượng này càng củng cố được quyền lực của mình. Nhận định về cách thức hoạt động của IS, Nabeel Khoury, thành viên cấp cao của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, đồng thời là nhà ngoại giao hoạt động lâu năm tại Trung Đông, nói: “Al-Qaeda chỉ biết đánh nhau” và phụ thuộc vào rất nhiều sự tài trợ từ bên ngoài. Trong khi đó, sự khác biệt ở IS là “lực lượng này thành lập một Nhà nước Hồi giáo. Osama Bin Laden cũng coi đó là một mục tiêu lâu dài nhưng Al-Qaeda chưa bao giờ thấy sẵn sàng để thành lập một nhà nước như vậy”.
Hiện nay, IS đã kiểm soát 5 mỏ dầu tại Iraq, với trữ lượng nhiều hơn số dầu khí mà Syria có, và một nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq. Từ tháng 7 vừa qua, nhóm này đã bắt đầu bán dầu thô cho các thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ.
Một tổ chức cực đoan tinh vi
Về sức mạnh tác chiến, Nabeel Khoury nhận định rằng chiến lược của IS là “vượt qua chiến lược bom xe”. Việc chiếm giữ các căn cứ quân sự đã giúp IS có được một vị thế quân sự tốt hơn hẳn so với bất kỳ nhóm khủng bố cực đoan nào từng tồn tại. Theo tạp chí Wall Street Journal, IS có khoảng 30 xe tăng M1 Abrams và pháo do Mỹ sản xuất, cùng một số xe thiết giáp Humvees và xe chống mìn bộ binh thu được của quân đội Iraq. IS còn có trong tay một số vũ khí của Nga có khả năng bắn hạ trực thăng và máy bay vận tải.
Bên cạnh số vũ khí đó, IS còn nắm giữ được nhiều nguồn lực chiến lược khác. Ngày 3/8 vừa qua, IS đã chiếm đập thủy điện Mosul, làm dấy lên lo ngại rằng chúng có thể làm ngập lụt các thành phố chính của Iraq hoặc cắt nguồn cung nước cho người dân. Tuy nhiên, rất may là với sự hỗ trợ của không quân Mỹ, các lực lượng của Iraq và người Kurd đã giành lại con đập này sau đó hai tuần. Ngoài ra, IS cũng đang kiểm soát 40% lượng lúa mì của Iraq. Thông tin từ hãng Reuters cho hay lực lượng này đang lấy lúa mì từ các kho của chính phủ và bán ra thị trường. Do đó, IS đang không chỉ kiểm soát được tỷ lệ lớn sản lượng thực phẩm mà còn tạo ra thu nhập.
Không giống như Al-Qaeda có rất ít sự hỗ trợ tại thực địa, IS đã chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ lực lượng Hồi giáo Sunni và trong một số trường hợp còn tạo ra liên minh chặt chẽ với nhóm người này. Mặc dù IS và các nhóm Hồi giáo Sunni đang liên minh không nhất thiết có chung mục tiêu nhưng tới nay, liên minh này vẫn đang tồn tại.
Vậy tương lai của IS sắp tới sẽ như thế nào? Sau khi vấp phải sự kháng cự tại miền nam Iraq và nay là ở khu vực người Kurd ở phía đông, IS có thể sẽ tập trung nỗ lực nhằm củng cố quyền lực tại các vùng lãnh thổ đang kiểm soát ở tây bắc Iraq và Syria.
Mặc dù đạt được một số thành công lớn trên thực địa, tiềm lực của IS vẫn có giới hạn khi tổ chức này không được trang bị vũ khí đầy đủ và không có lực lượng không quân. Mỹ tuyên bố sẽ can dự nếu tính mạng các nhân viên ngoại giao tại Iraq bị đe dọa song cũng lưu ý rằng sẽ không đưa bộ binh vào Iraq. Giáo sư Khoury nhận định rằng "sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới" tình hình trên thực địa tại Iraq. Một bên liên quan khác trong khu vực là Saudi Arabia cũng cho biết "không đặt chân vào thực địa" và nhường vị trí đó cho Iran và Hezbollah. Nói tóm lại, chừng nào mà IS còn kiểm soát khu vực rộng lớn lãnh thổ có người Sunni sinh sống thì sự can thiệp từ bên ngoài sẽ rất khó khăn và người dân Iraq sẽ vẫn phải tự lo cho số phận của mình.
Thái Nguyễn