Trước đó, Hy Lạp cũng đã phê chuẩn hiệp định về biên giới trên biển với Ai Cập hôm 27/8 vừa qua.
Theo hiệp định trên, trong trường hợp phát hiện tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả trữ lượng hydrocarbon, kéo dài từ EEZ của một trong hai bên đến EEZ của bên kia, hai bên phải hợp tác để đạt được thỏa thuận về cách thức khai thác các nguồn tài nguyên này.
Trước đó, vào ngày 6/8, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias đã ký thỏa thuận mà theo ông Shoukry cho là nhằm "mục tiêu khai thác các khả năng sẵn có ở khu vực Đông Địa Trung Hải".
Trong cuộc họp báo chung vào thời điểm đó, ông Shoukry khẳng định rằng các quy định của thỏa thuận giữa Cairo và Athens phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh rằng “thỏa thuận này cho phép Ai Cập và Hy Lạp đi trước, với việc tối đa hóa lợi ích từ sự giàu tài nguyên sẵn có trong các vùng đặc quyền kinh tế của cả hai nước, đặc biệt là trữ lượng khí đốt và dầu mỏ đầy hứa hẹn". Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cũng chỉ ra rằng văn kiện hợp tác này cũng mở đường cho nhiều lĩnh vực hợp tác cấp khu vực giữa Ai Cập và Hy Lạp, trong đó có lĩnh vực năng lượng.
Quá trình đàm phán về vùng đặc quyền kinh tế giữa Ai Cập và Hy Lạp được khởi động cách đây hơn 3 năm trong chuyến thăm của Tổng thống Sisi tới Athens. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Sisi và Thủ tướng Hy Lạp lúc đó là ông Alexi Tsipras đã nhất trí rằng để giúp mỗi quốc gia hưởng lợi từ các nguồn tài nguyên tiềm tàng của vùng biển quốc gia hai bên cần ký kết một thỏa thuận. Thỏa thuận này sẽ đặt nền móng cho sự hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng.