Ai Cập: Phát hiện lăng mộ hoàng gia cuối cùng của Vương triều thứ 18

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một nhóm các nhà khảo cổ học Ai Cập và Anh ngày 18/2 đã công bố phát hiện ngôi mộ đã mất dấu từ lâu của Pharaoh Thutmose II - lăng mộ hoàng gia cuối cùng còn thiếu của Vương triều thứ 18. Khám phá này được giới khảo cổ học đánh giá là một trong những phát hiện quan trọng nhất của Ai Cập trong nhiều thập kỷ.

Lăng mộ của Pharaoh Thutmose II nằm ở thung lũng C phía Tây thành phố Luxor, là ngôi mộ hoàng gia đầu tiên được phát hiện kể từ khi nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter khám phá ra lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922.

Cuộc khai quật này do Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập (SCA) tiến hành hợp tác với Quỹ nghiên cứu Tân Vương quốc, bắt đầu từ năm 2022 tại lối vào và hành lang chính của lăng mộ C4.

Ban đầu, lăng mộ này được cho là thuộc về một vương hậu do nằm gần nơi yên nghỉ của những người vợ của Pharaoh Thutmose III và Nữ hoàng Hatshepsut. Tuy nhiên, các cuộc điều tra sâu hơn đã xác nhận đây là nơi chôn cất của Pharaoh Thutmose II.

Các hiện vật được phát hiện trong lăng mộ, chẳng hạn như những mảnh vỡ của bình đá alabaster khắc tên vua Thutmose II và người vợ chính của ông là Nữ hoàng Hatshepsut, đã cung cấp những bằng chứng xác thực về chủ sở hữu lăng mộ. Các chuyên gia đã xác định rằng Nữ hoàng Hatshepsut - vừa là vợ vừa là chị cùng cha khác mẹ với Pharaoh Thutmose II, đã giám sát việc chôn cất ông.

Tổng thư ký SCA, ông Mohamed Ismail Khaled, đánh giá rằng phát hiện này là một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập trong nhiều thập kỷ. Ông tuyên bố đây là lần đầu tiên đồ tùy táng trong lăng mộ của Pharaoh Thutmose II được phát hiện, vì chưa từng có hiện vật nào như vậy được trưng bày trong các bảo tàng trên toàn thế giới. Theo ông Khaled, đây là ngôi mộ hoàng gia đầu tiên được phát hiện kể từ khi khám phá ra lăng mộ của Pharaoh Tutankhamun vào năm 1922.

Lăng mộ được tìm thấy trong tình trạng bị ngập nước từ thời cổ đại, ngay sau khi Pharaoh Thutmose II qua đời. Người đứng đầu phái đoàn khảo cổ Ai Cập Mohamed Abdel Badei cho biết nước đã làm hư hỏng nghiêm trọng bên trong lăng mộ và làm mất mát nhiều đồ tùy táng ban đầu.

Nhóm khảo cổ đã phục hồi một số phần thạch cao bị hư hại được trang trí bằng các họa tiết phức tạp, với các dòng chữ màu xanh lam, họa tiết ngôi sao màu vàng và các yếu tố của sách Amduat, một văn bản tôn giáo quan trọng được sử dụng trong các lăng mộ hoàng gia.

Người đứng đầu phái đoàn khảo cổ của Anh Piers Litherland cho biết rằng lăng mộ có thiết kế đơn giản phù hợp với hình thức ban đầu của kiểu thiết kế rẽ trái mà các vị Pharaoh kế tiếp của Vương triều thứ 18 đã phát triển. Điểm bất thường duy nhất là ở hành lang thứ hai. Lúc đầu, người ta nghĩ rằng đây là đường hầm của những kẻ đào mộ. Tuy nhiên, hành lang này đã được mở rộng gấp đôi và trát bằng thạch cao trắng. Hành lang này đi lên trên thay vì thoải xuống và đi qua phòng chôn cất, cao hơn sàn phòng này 1,4 m.

Các nhà khảo cổ tin rằng nước lũ đã dâng lên mức này khi ngôi mộ bị ngập. Hành lang này dường như được tạo ra để có thể đưa thi thể của Pharaoh Thutmose II ra khỏi ngôi mộ khi bị ngập.

Các chuyên gia Ai Cập và Anh sẽ tiếp tục khai quật để khám phá thêm nhiều bí mật tại địa điểm này.

Nguyễn Tùng (TTXVN)
Phát hiện lăng mộ bác sĩ hoàng gia 4.000 năm tuổi tại Ai Cập
Phát hiện lăng mộ bác sĩ hoàng gia 4.000 năm tuổi tại Ai Cập

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập vừa công bố một phát hiện khảo cổ quan trọng tại khu di tích Saqqara, phía Nam thủ đô Cairo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN