Ngày 4/12, phe đối lập tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình, tuần hành rầm rộ bên ngoài Phủ Tổng thống Ai Cập tại quận Helopolis và tại nhiều địa phương khác ở Ai Cập nhằm phản đối Tuyên bố Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp và cuộc trưng cầu ý dân về văn bản này.Tối cùng ngày, hàng chục nghìn người biểu tình đã bao vây Phủ Tổng thống buộc lực lượng cảnh sát phải rút lui khỏi các phòng tuyến bên ngoài. Sau khi nổ ra các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi đã phải rời khỏi địa điểm này. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ nước này lại cho biết ông Morsi rời Phủ Tổng thống sau khi kết thúc công việc như thường lệ.
Người biểu tình phong tỏa bên ngoài Phủ Tổng thống ở thủ đô Cairo, ngày 4/12. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, chiều 4/12, dù bị cảnh sát chống bạo động bắn đạn hơi cay, một số người biểu tình đã phá vỡ các phòng tuyến dây thép gai bảo vệ Phủ Tổng thống và tiến về phía tòa nhà. Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu đòi lật đổ Tổng thống Morsi, giải tán tổ chức "Anh em Hồi giáo" và phản đối Tuyên bố Hiến pháp, dự thảo Hiến pháp và kế hoạch tổ chức trưng cầu ý dân về văn bản này vào ngày 15/12 tới.
Theo các nguồn tin y tế, ít nhất 27 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát quanh khu vực Phủ Tổng thống.
Người phát ngôn lực lượng quân đội phủ nhận thông tin quân đội tham gia bảo vệ Phủ Tổng thống đồng thời nhất mạnh rằng lực lượng quân đội giữ quan điểm trung lập và không đứng về phía bất kỳ đảng phái nào.
Bên cạnh điểm nóng Phủ Tổng thống, hàng nghìn người biểu tình còn tập trung tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo. Tại quảng trường này, một liên minh các nhóm đối lập là "Mặt trận giải cứu quốc gia" đã kêu gọi biểu tình ngồi bên ngoài Phủ Tổng thống và trên khắp cả nước.
Hàng trăm nhà báo đã tổ chức tuần hành trước cửa Nghiệp đoàn báo chí phản đối Tuyên bố Hiến pháp của Tổng thống và dự thảo hiến pháp.
Hơn 10 tờ báo có số lượng phát hành lớn nhất tại Ai Cập đã cùng đình bản trong ngày 3/12. Nhiều tờ báo mạng đã ngừng phát tin trong nhiều giờ hoặc chỉ phát các tin tức liên quan tới các cuộc biểu tình của phe đối lập. Ít nhất 5 kênh truyền hình tuyên bố sẽ ngừng phát sóng vào ngày 5/12.
Hàng nghìn người Ai Cập cũng đổ xuống đường biểu tình tại nhiều tỉnh và thành phố khác trong đó có Alexandria, Mansoura, Mahalla, Hurghada, Luxor, Assiut, Minya,
Ismailia. Các vụ đụng độ bạo lực giữa những người biểu tình phản đối và ủng hộ Tổng thống Morsi cũng được ghi nhận tại một số địa phương.
Trước tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng tại Ai Cập, Mỹ đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh người biểu tình cần "bày tỏ quan điểm một cách hòa bình".
Trong một diễn biến liên quan, ngày 4/12, nhật báo "Almasry Alyoum" dẫn lời Chủ tịch Hội đồng Lập hiến Ai Cập Hossam Al-Gheriany cho biết Tổng thống Morsi có thể sẽ hủy bỏ hai điều khoản gây tranh cãi trong bản Tuyên bố hiến pháp được ban hành ngày 22/11 vừa qua.
Cùng ngày, hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn một nguồn tin giấu tên tiết lộ Văn phòng Tổng thống đang xem xét đình chỉ toàn bộ Tuyên bố Hiến pháp và thông tin này sẽ được phó Tổng thống Mahmoud Mekky công bố trong một cuộc phỏng vấn đăng trên một tờ báo địa phương vào ngày 5/12.
Cũng theo nguồn tin này, Văn phòng Tổng thống đã xem xét sửa đổi Tuyên bố Hiến pháp, đặc biệt là điều khoản thứ 2 và thứ 6 trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền xem xét, hủy bỏ bất kỳ quyết định nào của Tổng thống.
Kể từ sau khi Tổng thống Morsi công bố sắc lệnh Tuyên bố Hiến pháp trên, phe đối lập và hệ thống tư pháp Ai Cập đã phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nhà lãnh đạo này đang cố mở rộng quyền lực của mình.
Cuộc khủng hoảng trên chính trường thêm trầm trọng sau khi dự thảo Hiến pháp được công bố. Bản dự thảo này đang trở thành tâm điểm cho những bất đồng chính trị và ý thức hệ giữa một bên là lực lượng Hồi giáo nắm quyền với phe đối lập chủ yếu theo khuynh hướng thế tục.
Trong một cuộc họp báo ngày 4/12, Chủ tịch câu lạc bộ thẩm phán Ahmed al-Zend cho biết đại đa số các thẩm phán và công tố viên sẽ không tham gia giám sát cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến các thẩm phán tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, chỉ có 226 thẩm phán đồng ý trong khi có tới 2.039 người tuyên bố sẽ không tham gia giám sát.
Cùng ngày, Tổng thư ký Hội đồng Lập hiến Amr Darrag cảnh báo các bản dự thảo hiến pháp giả mạo đã được lưu hành tại các hiệu sách, nhà ga và trên Internet.
TTXVN/Tin tức